Bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII:

Xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Ngày 12-4, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII làm việc ngày thứ 3 và phiên bế mạc.

* Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương làm việc tại hội trường. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì thực hiện quy trình giới thiệu bổ sung Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. Ban Chấp hành Trung ương và các đại biểu dự hội nghị thảo luận về công tác chuẩn bị Đại hội XIV và bầu cử Quốc hội khóa XVI, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; nghe Báo cáo chuyên đề về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

HNTW 11 be mac 3.jpg
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bộ Chính trị họp tiếp thu, giải trình ý kiến Trung ương đã thảo luận ngày 11-4 và sáng ngày 12-4-2025 về công tác chuẩn bị Đại hội XIV và bầu cử Quốc hội khóa XVI, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

* Buổi chiều, Ban Chấp Trung ương họp phiên bế mạc tại hội trường. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp. Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị Đại hội XIV và bầu cử Quốc hội khoá XVI, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

HNTW 11 be mac 2.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ban Chấp hành Trung ương thảo luận về các nội dung trên và thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11. Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận và bế mạc hội nghị.

* Về nhóm vấn đề tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, trong phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, về dự thảo các văn kiện phục vụ Đại hội XIV của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất đánh giá, các dự thảo lần này được biên tập ngắn gọn, súc tích (giảm khoảng 30%-35%), song nội dung khá đầy đủ, sâu sắc vừa bảo đảm tính văn kiện, toàn diện vừa đảm bảo tính hành động cao, có thể giúp triển khai ngay, cập nhật, bổ sung nhiều vấn đề lớn, là hình mẫu cho việc xây dựng văn kiện của các tổ chức Đảng. Qua trao đổi, thảo luận, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất quyết tâm mạnh mẽ “xác lập mô hình tăng trưởng mới”, “xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới” là các giải pháp căn cơ để khắc phục nguy cơ tụt hậu. Trong mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia làm động lực chủ yếu, kinh tế tư nhân (gồm cả khu vực tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân. Đồng thời, Ban Chấp Trung ương cũng thống nhất cao trong giai đoạn cách mạng mới, cần tập trung xác định và triển khai mạnh mẽ nội hàm “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, mô hình điểm về các tỉnh “xã hội chủ nghĩa”, các xã “xã hội chủ nghĩa”.

HNTW 11 be mac 6.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về công tác tổ chức xây dựng và thi hành Điều lệ Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến và cơ bản thống nhất, thông qua dự thảo phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; bổ sung nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; các nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; các nội dung sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 và Kết luận số 118-KL/TW ngày 18-1-2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, Bộ Chính trị, cấp ủy, các tổ chức Đảng, các cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung đã được Trung ương thống nhất, thông qua.

HNTW 11 be mac 10.jpg
Các đại biểu dự phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng nhanh chóng tiếp thu ý kiến góp ý bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện (nhất là phần định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng, địa phương sau sáp nhập) gửi đại hội đảng bộ các cấp thảo luận, góp ý, tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 12 để cán bộ, đảng viên và nhân dân thảo luận cho ý kiến. Ngay sau hội nghị này, Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết 18 sẽ họp để cụ thể hóa các công việc cần làm, đưa ra kế hoạch, lộ trình thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới và phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng sẽ tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc để quán triệt, thống nhất nhận thức, cách làm trong cả hệ thống chính trị về những chủ trương mà Hội nghị Trung ương 11 thông qua.

HNTW 11 be mac 1.jpg
Toàn cảnh phiên bế mạc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Bộ Chính trị cũng sẽ sớm ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân để tạo thêm động lực mới cùng Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 59 về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới nhằm quyết tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên của năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo; phấn đấu hoàn thành bằng được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Tin cùng chuyên mục