Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, vụ tấn công vào hệ thống mạng của Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN), A05 đã xác lập chuyên án chủ trì, phối hợp công an các địa phương khẩn trương điều tra, truy vết, làm rõ tính chất vụ việc, xác định đối tượng thực hiện.
“Đến nay, A05 đã xác định nhóm đối tượng nghi vấn thực hiện vụ việc này. Bộ Công an sẽ cung cấp thông tin sau khi có kết quả điều tra cụ thể”, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Trước đó, ngày 14-6, A05 nhận được công văn của VOV đề nghị vào cuộc điều tra vụ việc. Cũng liên quan tới vụ việc, lãnh đạo Bộ TT-TT đã chỉ đạo Viettel và VNPT gấp rút xử lý việc Báo điện tử VOV bị tấn công. Sau đó, chiều ngày 13-6, Báo điện tử VOV đã truy cập được bình thường.
Theo thông tin từ VOV, ngày 12-6, Báo điện tử VOV (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) đăng tải 2 bài viết liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch Đại Nam) gồm: "Bà Phương Hằng với các livestream lệch chuẩn: Đã đến lúc cần xử lý nghiêm" và "Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng".
Tuy nhiên, sau khi loạt bài viết được đăng tải, một số đối tượng đã có hành vi kích động, tạo các tài khoản ảo để tấn công nhiều nền tảng của Báo điện tử VOV. Trong đó đỉnh điểm là việc tấn công DDOS (từ chối dịch vụ) nhắm vào Báo điện tử VOV trong ngày 13-6; tấn công Fanpage của báo; gửi thư, gọi điện xúc phạm đến các nhân vật đã trả lời phỏng vấn, khủng bố phóng viên viết bài bằng những tin nhắn đe dọa, thóa mạ...
Liên quan tới vụ việc, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có công văn gửi A05; Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT, đề nghị điều tra, xử lý hành vi tấn công các nền tảng kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, hành vi tấn công là rất tiêu cực, vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Đặc biệt, vụ việc diễn ra ở thời điểm người làm báo cả nước kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.