Xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá trong quy hoạch TPHCM

Báo cáo về quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, quy hoạch TPHCM được nghiên cứu toàn diện với phương pháp khoa học, dựa trên chiến lược phát triển tổng thể của TPHCM, các thế mạnh và đặc thù riêng nằm trong tổng thể phát triển của vùng, cả nước và bối cảnh quốc tế.

Quy hoạch xây dựng các kịch bản phát triển phát triển TPHCM với tốc độ tăng trưởng 8,5% - 9%. GRDP bình quân đầu người đến 2030 dự kiến đạt từ 14.800 - 15.400 USD.

H13.jpg
Các đồng chí Thường trực Thành ủy TPHCM điều hành hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Quy hoạch xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo ra bước chuyển có tính đột phá trong việc thực hiện quy hoạch. Đồng thời, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tiếp tục nâng cao hiệu quả quá trình công nghiệp hóa và thúc đẩy quá trình dịch vụ hóa; đẩy mạnh áp dụng các mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; một số lĩnh vực kinh tế đặc thù như kinh tế đô thị, kinh tế biển...

Bên cạnh đó, xây dựng đô thị TPHCM hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực. Phát triển mạnh mẽ văn hóa – xã hội, giáo dục và đạo tạo, chăm sóc sức khỏe, xây dựng con người của TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình; đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hòa nhập quốc tế; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả quản trị đô thị.

H10.jpg
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo về quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Cùng với đó, xác định 3 đột phá phát triển. Đó là, đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị. Đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và các lĩnh vực xã hội quan trọng, đặc biệt là thực hiện các dự án đang tồn đọng và một số dự án tạo động lực phát triển. Đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, công nghệ cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.

Về phương hướng phát triển ngành, không gian, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM cho biết quy hoạch xác định 3 tiểu vùng gồm khu vực đô thị trung tâm; TP Thủ Đức; khu vực ngoại thành. Đồng thời, xác định 2 hành lang quốc gia gồm Đông – Tây (TPHCM – Mộc Bài); Bắc – Nam; 1 hành lang vùng là sông Đồng Nai - Sài Gòn - Thị Vải – Soài Rạp; 10 trục không gian với 9 trục chủ đạo và 1 trục ven biển.

Bên cạnh đó, quy hoạch xác định các khu chức năng về kinh tế, công nghiệp, công nghệ cao… Trong đó, TPHCM sẽ hình thành khu thương mại tự do (FTZ) gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái (1.000-2.000ha)…

H12.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng thông tin thêm về kết quả thực hiện quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Cụ thể, đến năm 2030, TPHCM vẫn giữ 16 quận, 5 huyện và TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Thời gian này, TPHCM tập trung củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị cho quá trình chuyển các huyện thành thành phố thuộc TPHCM. Sau năm 2030, TPHCM sẽ tổ chức các vùng đô thị, chuyển 5 huyện thành 5 thành phố như TP Thủ Đức, hình thành đô thị đa trung tâm và đường sắt đô thị (metro) sẽ là phương thức kết nối chính. Theo đồng chí, thời gian qua TPHCM chưa hoàn chỉnh quy hoạch hạ tầng giao thông nên công tác quy hoạch vẫn như "vết dầu loang".

Chủ tịch UBND TPHCM cũng khẳng định, đầu tư cho metro phải là phương thức tất yếu để phát triển đô thị lớn. Trong đó, đầu tư phát triển metro phải là đầu tư công và có các hạng mục để phát huy vốn ngoài ngân sách.

Để phát triển 183km metro trong hơn 10 năm tới, TPHCM cần hơn 30 tỷ USD, tức mỗi năm TPHCM cần trên 3 tỷ USD. Đây không phải con số quá lớn so với TPHCM. Điều thành phố cần là cơ chế chính sách để thực hiện. Theo đồng chí, TPHCM có thể vay vốn từ người dân thông qua trái phiếu đô thị. Các ngân hàng cũng khẳng định có thể huy động được 3 tỷ USD mỗi năm để TPHCM phát triển đường sắt đô thị thông qua trái phiếu.

Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định khi hoàn thiện, hệ thống metro sẽ giải quyết điểm nghẽn về giao thông, các mô hình đô thị trung tâm cũng triển khai thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, sẽ phát triển không gian ngầm, phát triển đô thị dọc theo các tuyến metro.

Các điểm nhấn nổi bật của quy hoạch TPHCM

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng cấp quốc gia và cấp vùng trên địa bàn TPHCM. Trong đó bao gồm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; khu thương mại tự do (FTZ) Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế và khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Đầu tư và xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch.

Đầu tư và phát triển theo các dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch;

Đầu tư và xây dựng, phát triển hệ thống các trung tâm chuyên ngành, khẳng định vai trò trung tâm quốc gia, quốc tế của TPHCM như trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa thể thao, giáo dục, khoa học công nghệ…

Sắp xếp, tổ chức lại và thu hút đầu tư xây dựng trục không gian chủ đạo sông Sài Gòn gắn với vùng Đông Nam bộ, đặc biệt đoạn đi qua khu vực nội thành và khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ hướng tới trở thành khu du lịch quốc gia, có ý nghĩa quốc tế.

Cho phép nghiên cứu một số đề án có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của TPHCM như xây dựng Luật Quản lý và Phát triển thành phố đặc biệt; phát triển các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ và dự án vịnh Gành Rái “đầu mối” kết nối khu vực phía Nam TPHCM với vùng Đông Nam bộ.

Tin cùng chuyên mục