Xác định 4 loại “cò” đặc sản, Đà Lạt quyết tâm chấn chỉnh
SGGPO
Qua tiến hành phân loại, xác minh, cơ quan chức năng TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã xác định hoạt động của "cò" đặc sản tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, đe dọa an toàn của du khách, ảnh hưởng trực tiếp tới du lịch Đà Lạt.
Chiều 7-7, ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, có khoảng 2,4 triệu lượt khách tới du lịch Đà Lạt. Lượng khách tăng, nhu cầu sử dụng dịch vụ và mua sắm cũng tăng cao. Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ sở kinh doanh vì lợi ích trước mắt đã có hành vi nâng ép giá, bán không đúng giá niêm yết, gây va chạm xô xát với du khách...
Nổi lên trong số đó là các cơ sở kinh doanh lĩnh vực lưu trú, bán hàng đặc sản, vườn dâu cho khách tham quan, quán ăn có sử dụng hình thức tiếp thị trái pháp luật hoạt động dưới dạng "cò" để chèo kéo, tranh giành khách, bán ép giá, lừa dối khách hàng... Sự cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh gây thiệt hại cho du khách, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Trình cho biết: Có nhiều trường hợp còn gây rối đánh du khách, đánh tài xế xe du lịch, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên bảo vệ các khu du lịch. Qua phân loại, hoạt động "cò" thường biểu hiện dưới các hình thức: nhân viên của cơ sở kinh doanh trực tiếp làm "cò"; "cò" tự do đón khách dẫn vào cơ sở kinh doanh dịch vụ (có thỏa thuận trước) để hưởng tiền "cò"; "cò" bảo kê ép cơ sở kinh doanh phải chi tiền "cò" khi đưa khách vào; lái xe, hướng dẫn viên đưa khách đến cơ sở kinh doanh để hưởng tiền môi giới; lái xe taxi trong thành phố đưa khách tới cơ sở kinh doanh hưởng tiền môi giới.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, "cò" thường hoạt động tại các khu vực tập trung đông du khách như: Chợ đêm Đà Lạt, khu du lịch thác Prenn, Thung lũng tình yêu, Vườn hoa thành phố, Dinh 3, đường Nguyên Tử Lực, đường Phù Đổng Thiên Vương...
"Cò" đặc sản dàn hàng ngang bám theo du khách trước cổng khu du lịch Thung lũng tình yêu. Ảnh: SƠN CƯỜNG
Nhằm chấn chỉnh hoạt động "cò" trên địa bàn, UBND TP Đà Lạt cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý quyết liệt không để tái diễn các hoạt động kinh doanh, tiếp thị, môi giới... vi phạm pháp luật. Đặc biệt, tập trung điều tra, không để xảy ra tình trạng hình thành các tổ chức, băng nhóm đường dây tiếp thị, môi giới và xử lý triệt để tình trạng sử dụng lao động đi tiếp thị dạng "cò". Ngoài ra, UBND TP Đà Lạt cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về đăng ký giá, niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết...
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng "cò" đặc sản tại Đà Lạt. Theo nội dung văn bản, sau khi báo chí phản ánh về tình trạng "cò" đặc sản lộng hành ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, an toàn cho người dân và du khách; khôi phục hình ảnh, uy tín, thương hiệu du lịch Đà Lạt.
Từ đầu năm đến nay, UBND TP Đà Lạt đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến hơn 170 cơ sở kinh doanh, yêu cầu ký cam kết không nâng ép giá, không sử dụng "cò" tiếp thị. Cơ quan chức năng cũng đã lập danh sách 15 cơ sở thường xuyên sử dụng "cò", lên danh sách 62 đối tượng "cò" đặc sản, lập hồ sơ quản lý đối với 4 cơ sở kinh doanh đã có biểu hiện đe dọa du khách, sử dụng băng nhóm "cò" tiếp thị từ xa...