Xác chuột ngoài đường - mầm mống của bệnh dịch hạch

Tại TPHCM, ở nhiều khu vực, nhiều tuyến đường, xác chuột chết không được xử lý theo đúng quy định mà bị vứt ra ngoài đường. Hành vi này làm ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây lây lan dịch bệnh.

Xác chuột chết la liệt ngoài đường

Không khó bắt gặp những xác chuột chết trương phình hay khô queo nằm “chỏng chơ” giữa đường phố. Có hai tình huống gây nên tình trạng này, đó là: chuột chạy qua đường bị xe cán và người dân vứt ra ngoài đường sau khi bẫy được. Tuy nhiên, khả năng thứ 2 là cao.

Sáng sớm, đi một vòng trên các con đường Hòa Hảo, Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh thuộc địa bàn quận 10; đường Lý Thường Kiệt, Trường Chinh quận Tân Bình,... phóng viên bắt gặp hàng chục xác chuột chết nằm ngay trước nhà người dân hay trong bụi cây mọc sát lề đường. Theo phản ánh từ nhiều người dân gần đó, hầu hết xác chuột đều từ các hộ gia đình sau một đêm bẫy được vứt ra.

xac-chuot-kho-queo-giua-duong-su-van-hanh-3276.jpg
Xác chuột chết chỉ còn một nhúm lông khô giữa đường Sư Vạn Hạnh, quận 10. Ảnh: HẢI NGỌC

Dọc con đường Hoàng Sa hướng về phía quận Bình Thạnh, xác chuột chết bị cán bẹp dí không còn thấy rõ nhưng vẫn không được dọn dẹp. Phía bên đối diện là đường Trường Sa cũng vậy, theo ghi nhận của phóng viên, chỉ một đoạn đường ngắn vài chục mét nhưng la liệt xác chuột chết nằm ngổn ngang, có xác mới bị xe đi qua cán, có xác đã cũ chỉ còn một nhúm lông khô.

Chuột là loài động vật mang nhiều vi trùng, xác chuột chết chứa nhiều mầm bệnh. Khi các phương tiện di chuyển trên đường cán qua, lục phủ ngũ tạng của xác chuột dắt vào lốp xe ô tô, xe máy, hòa lẫn vào bụi đường. Con người khi hít phải, vi khuẩn bám vào thành mũi, phổi gặp môi trường có độ ẩm cao sẽ sinh sôi, truyền bệnh vào cơ thể từ đó có nguy cơ lây lan dịch rất nguy hiểm.

Cần xử phạt nghiêm minh theo luật

Việc người dân vứt xác động vật bừa bãi ra ngoài môi trường gây ô nhiễm không khí, là mầm mống gây dịch bệnh. Vì vậy, hành vi này cần được các cơ quan chức năng địa phương kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh.

Khoản 7 Điều 13 Luật Thú y năm 2015 có quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường”.

tren-duong-hoa-hao-quan-10-xac-chuot-bi-vut-ngay-le-duong-7965.jpg
Xác chuột bị người dân bẫy rồi vứt ngay bên lề đường. Ảnh: HẢI NGỌC

Về mức xử phạt hành vi vứt xác động vật bừa bãi ra ngoài môi trường, căn cứ theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ như sau:

Tại khoản 4 Điều 6 về quy định phòng chống dịch bệnh, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi: Tiêu hủy không đúng quy định hoặc không tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc diện phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Về việc tiêu hủy xác động vật cần thực hiện đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cần đảm bảo việc tiêu độc khử trùng, hạn chế ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới cuộc sống chung của cộng đồng.

xac-chuot-bi-nguoi-dan-vut-ra-ngoai-duong-tren-dia-ban-quan-10-3741.jpg
Chuột chết nằm chỏng chơ giữa đường gây mất vệ sinh môi trường. Ảnh: HẢI NGỌC

Trực khuẩn Yersinia pestis là nguyên nhân gây ra bệnh dịch hạch. Đây là loại vi khuẩn độc hại có hình que ngắn, dễ sinh trưởng ở điều kiện thông thường (mức nhiệt từ 28 - 37 độ C). Các ổ vi khuẩn dịch hạch có thể tồn tại từ vài chục ngày đến vài tháng trong môi trường như đất ẩm, xác chuột…

Vi khuẩn dịch hạch sau khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ lưu lại và phát triển số lượng lên các hạch rồi đi vào máu và lưu trú tại thận, gan, lá lách từ đó gây bệnh dịch hạch thể hạch. Nếu không thể ngăn chặn, chúng tiếp tục sinh sản gây ra nhiễm khuẩn huyết tiên phát, sau đó, tiếp tục theo đường máu lan đến các cơ quan khác và gây ra các thể dịch hạch thứ phát: thể não, thể phổi...

Trong thời kỳ phát bệnh, người bệnh có các triệu chứng như: mệt mỏi, chóng mặt, sốt cao, buồn nôn, rét run. Bệnh phát triển nặng hơn khi xuất hiện thêm các biểu hiện suy đường hô hấp: khó thở, thở gấp và rối loạn tim mạch. Bệnh nặng tiến triển nhanh, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tử vong trong vòng 2-3 ngày.

Tin cùng chuyên mục