Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính, Bộ KH-CN phải bắt tay thực sự vào việc xác định giá trị thương hiệu của VFS.
Với kết luận này, nhiều đạo diễn, biên kịch, quay phim…, những người đã và đang gắn bó với VFS cảm thấy vui bởi lẽ “đấu tranh” của họ vì thương hiệu của hãng đã được ghi nhận. Song có lẽ, hơn lúc nào hết những người làm điện ảnh cũng cần tận dụng cơ hội này để nhìn lại xem mình đã có gì, làm được gì sau bao năm sống nhờ “bầu sữa” ngân sách.
Khán giả bây giờ, vẫn rưng rưng nước mắt khi xem lại các bộ phim “Chung một dòng sông”; “Chim vành khuyên”; “Vợ chồng A Phủ”; “Chị Tư Hậu”; “Đến hẹn lại lên”; “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”; “Biệt động Sài Gòn”… Trong phòng truyền thống rất nhiều các bằng khen, phần thưởng danh giá trong nước, quốc tế trao tặng cho các bộ phim của hãng được bày ở vị trí trang trọng. Tiếc thay đó là câu chuyện, là hào quang của cả chục năm về trước.
Tiếng là “anh cả đỏ” dẫn dắt điện ảnh Việt, được đầu tư nhiều thiết bị phục vụ sản xuất phim hiện đại, đều đặn được nhận đặt hàng sản xuất phim từ ngân sách nhà nước với kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi tác phẩm, nhưng nhiều “đứa con” nghệ thuật của VFS càng về sau càng có tuổi đời rất ngắn. Ngay tại sân nhà, khán giả Việt nhiều người không nhớ nổi một bộ phim điện ảnh nào của hãng được sản xuất khoảng 10 - 15 năm trở lại đây. Có chăng chỉ đâu đó đọc trên báo, rằng có phim này phim kia, đầu tư đến vài chục tỷ đồng, ra rạp bán không nổi chục vé…
Câu chuyện định giá thương hiệu 0 đồng cho VFS nói ra thì đau xót lắm nhưng thử bình tĩnh mổ xẻ, phân tích dựa trên những con số “lạnh lùng” nhưng lại biết nói ấy thì mới thấy thực trạng “bê bết”tồn tại nhiều năm ở đây. Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL trong một buổi gặp gỡ với báo chí cũng thẳng thắn thừa nhận trong suốt 20 năm qua, VFS đều hoạt động thua lỗ. Không có tiền trả phí thuê đất nên Bộ VH-TT-DL liên tục phải làm công văn, đề nghị Hà Nội cho hoãn nợ tiền thuê đất. Khi cổ phần hóa, số tiền nợ của hãng lên đến trên 21 tỷ đồng. Tình trạng trì trệ của hãng kéo dài. 90% doanh thu của hãng trong nhiều năm là có từ nguồn đặt hàng làm phim theo ngân sách của nhà nước. Và chính vị lãnh đạo này cũng cho biết: “Bộ biết hãng phải dùng tiền đầu tư sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng để trả lương cho cán bộ công nhân viên nhưng không xử lý vì biết rằng nếu siết lại, hãng sẽ không tồn tại được. Lương trả cho các cán bộ công nhân viên của hãng chỉ bằng một nửa lương cơ bản theo quy định…”. Chính các nghệ sĩ của VFS cũng thừa nhận nhiều năm nay họ không thể sống bằng nguồn tiền lương của hãng mà họ phải bươn chải bằng nhiều nghề khác nhau. Nguyên nhân được đổ tại bộ máy lãnh đạo VFS trì trệ, quen với nếp nghĩ, cách làm việc bao cấp lâu năm, bóc ngắn cắn dài, nợ nần chồng chất…
Khi ấy cổ phần hóa là giải pháp duy nhất mang tới cho VFS luồng sinh khí mới và Tổng công ty Vận tải Thủy (Vivasco) xuất hiện với tư cách là chủ sở hữu mới với 65% cổ phần. Tất nhiên, cũng như bất cứ nhà đầu tư nào khác, chỉ những gì có lợi thì họ mới làm. Vì thế với quan điểm không làm không trả lương, phá vỡ lớp “thành trì” bao cấp của VFS, khiến những nghệ sĩ đã nhiều năm hoạt động theo kiểu “ngồi đợi việc”, đến tháng nhận lương bị “sốc”…
Theo ý kiến của một chuyên gia kinh tế, chính xung đột về lợi ích chứ không phải là nghệ thuật hay thương hiệu làm ngòi nổ cho những ồn ào trên báo chí trong chuyện cổ phần hóa VFS vừa qua. Chuyên gia này phân tích cứ cho rằng Vivasco “không có đủ chuyên môn để phát huy tài năng của các nghệ sĩ” nhưng nếu họ thực sự tài năng thì liệu có để hãng phim nhiều năm lâm vào tình trạng xập xệ, thua lỗ triền miên? Nếu cứ tiếp tục đem “thời vang bóng” ra để phản biện, VFS rất khó tìm lối thoát. Bởi đơn giản, không có thương hiệu nào trên thế giới tồn tại và có giá trị vĩnh viễn. Quá khứ và lịch sử hãy để lịch sử điện ảnh và nhà nước ghi nhận, chứ không thể buộc một doanh nghiệp tư nhân phải tôn thờ, chịu trách nhiệm…