Xã nghèo Bình Lợi lên đời

Là xã vùng sâu của huyện Bình Chánh (TPHCM) với địa hình nhiều kênh rạch, đất nhiễm phèn, nhưng từ việc xây dựng nông thôn mới (NTM), ngày nay xã Bình Lợi đã “thay da đổi thịt”. 
Ông Dương Đức Xuyên chăm sóc vườn mai để chuẩn bị bán dịp tết
Ông Dương Đức Xuyên chăm sóc vườn mai để chuẩn bị bán dịp tết

Kết cấu hạ tầng được đầu tư, giao thông thuận tiện giúp kinh tế phát triển, thu nhập người dân đạt 57 triệu đồng/người/năm 2017 so với 19 triệu đồng/người/năm 2010.

Kinh tế phát triển

Trước kia, muốn đi hết xã Bình Lợi phải dùng ghe, xuồng để di chuyển. Qua thực hiện chương trình NTM, cơ sở hạ tầng của xã được xây dựng nhiều tuyến đường nhựa, đường cấp phối, đường nội đồng, cùng những cây cầu bắc qua sông, rạch, nên giờ đây chỉ cần xe máy là có thể đến tận cùng xóm ấp.

Theo UBND xã Bình Lợi, trên địa bàn xã đã xây dựng 23 tuyến đường nhựa, cấp phối đá dăm (41,2km), phần lớn là mở rộng các tuyến đường ven kênh. Hoàn thành các dự án xây dựng hệ thống đê bao ngăn lũ khu B, xây mới cầu Bà Tỵ, cầu Thầy Thuốc và 4 cây cầu trên đường Trương Văn Đa (cầu Ông Oánh, cầu Năm Xuyên, cầu Độc Lập, cầu Tám Đại). Đường đến đâu, ngành điện kéo dây đến đó để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trước kia phải vận chuyển bằng đường thủy, tốn nhiều chi phí, thì giờ đây các xe tải có thể bon bon đến tận ruộng, vườn để lấy hàng.

Điển hình nhất là đường Trương Văn Đa, trước kia chỉ rộng hơn 1m - vừa đủ cho 2 chiếc xe máy đi qua, giờ đã trở thành con đường láng nhựa rộng hơn 9m. Ông Nguyễn Văn Hòa (nhà trên đường Trương Văn Đa) nhớ lại: “Lúc trước, người dân muốn bán nông sản hay mua vật liệu xây dựng luôn gặp khó do cách trở sông, rạch. Đi đâu cũng phải lụy đò. Là người dân TPHCM mà muốn vào nội thành phải ra đường lớn rồi thuê xe máy để đi. Vì vậy, khi lãnh đạo địa phương xuống vận động người dân hiến đất làm đường để xây dựng NTM, người dân đã đồng ý ngay”.

Nhiều tuyến đường nội đồng trong khu A (ấp 3 và ấp 4) trước kia là đường đất, mưa lầy nắng bụi, người dân vận chuyển nông sản phải dùng xuồng, ghe, nay được nâng cấp thành đường trải đá rộng 6m. Vũng trũng khu B (ấp 1 và ấp 2) thường ngập trắng mỗi khi triều cường, giờ đang được đầu tư hệ thống đê bao thủy lợi khép kín, kết hợp làm đường giao thông nội đồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Bà Lê Thị Hoa (60 tuổi, ngụ ấp 2) kể, từ ngày xã Bình Lợi “lột xác” thì lớp trẻ sung sướng nhất. Thay vì phải đi học xa nhà khiến nhiều em bỏ học, nay các trường học xây mới ngay tại xã với cơ sở vật chất khang trang. Rồi trung tâm văn hóa, văn phòng ấp, trạm y tế… đều được xây mới. Nhờ đó, cuộc sống người dân có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.

“Thủ phủ” mới của cây mai

Theo UBND xã Bình Lợi, những năm 1990 trở về trước, người dân chỉ canh tác được một số cây trồng như mía, thơm, riềng. Do hệ thống đê bao thủy lợi và đường giao thông nội đồng không khép kín, nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp và bấp bênh, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn vì chỉ sống bằng nghề nông.

Từ ngày có hệ thống thủy lợi, với sự định hướng của địa phương, nhiều nông dân chuyển sang trồng cây mai, nuôi cá, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đặc biệt, vùng chuyên canh cây mai với diện tích hiện đạt 249ha đã được hình thành,  cung cấp mai vàng nguyên liệu cho nhiều quận - huyện của TPHCM và cho cả các tỉnh miền Trung, miền Tây.

Là một trong những người mới chuyển đổi sang mô hình cây mai, ông Lê Hữu Thiện (ngụ ấp 3) vừa mới thu hoạch vụ đầu tiên, đạt được giá trị kinh tế cao. Ông Thiện mừng rỡ kể, trước kia ông trồng mía luôn bị thua lỗ, từ khi chuyển sang cây mai theo chủ trương của huyện thì hiệu quả thấy rõ. Đầu tư 1ha trồng mai khoảng 300 triệu đồng, sau gần 4 năm chăm sóc, đến nay bán được hơn 1,2 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến những cây mai có thế đẹp được giữ lại để cho thuê.

Tương tự, nông dân Dương Đức Xuyên (có hơn 6ha với hơn 32.000 cây giống, cây nguyên liệu, cây kiểng) cho hay, trước kia trồng cây đu đủ và riềng, dù đầu tắt mặt tối nhưng thu nhập vẫn luôn bấp bênh. Ông Xuyên quyết định chuyển sang trồng mai, sau 5 năm thu hoạch được 1,8 tỷ đồng/ha. Năm nay ước tính cho ra thị trường hơn 2.000 cây mai, có giá từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng/cây.

Ông Trương Thái Ngọc, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, chia sẻ, cuộc sống người dân ngày càng phát triển là nhờ thành quả từ xây dựng NTM. Tương lai tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Tăng cường khai thác thế mạnh của địa phương, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; ổn định việc tiêu thụ nông sản, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình sản xuất tập thể như tổ hợp tác cá kiểng, cá thịt, cây mai…

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết xã Bình Lợi có thổ nhưỡng phù hợp để trồng mai, nên huyện quy hoạch vùng trồng mai 300ha ở đây. Người dân có thể bán cây mai con làm nguyên liệu cho các nơi, đồng thời giữ lại một số cây mai có gốc và bộ rễ đẹp để tạo mai bonsai, xây dựng thương hiệu. Trước mắt, địa phương có kế hoạch thành lập đường mai, hội chợ về mai để quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng.

Bình Lợi là xã đầu tiên trong 56 xã được UBND TPHCM phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM xã giai đoạn 2016-2020; đến nay đã đạt 8/19 tiêu chí là điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, văn hóa, quốc phòng và an ninh. Bình Lợi phấn đấu năm 2018 sẽ là 1 trong 30 xã đạt các tiêu chí xây dựng NTM xã giai đoạn 2016-2020.

Tin cùng chuyên mục