Xã Măng Cành: Tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cao đời sống người dân

Xã Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) nằm trên tỉnh lộ 676, cách trung tâm huyện 7km. Xã có 708 hộ với 2.445 nhân khẩu. Trong đó, người đồng bào dân tộc Mơ Nâm có 621 hộ, chiếm tỷ lệ 89,4%. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng những năm qua, đời sống người dân ngày được nâng cao.
Lãnh đạo xã Măng Cành (bên phải) hướng dẫn hộ ông A Nuông chăm sóc vườn sâm đương quy
Lãnh đạo xã Măng Cành (bên phải) hướng dẫn hộ ông A Nuông chăm sóc vườn sâm đương quy
Đến thôn Kon Kum, Đắk Ne, Kon Du và Kon Chênh, chúng tôi thấy cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt được đầu tư bài bản và trải dài. Nhiều nơi đường bê tông xây vào tận khu sản xuất của dân. Sau khi chạy xe máy trên đường bê tông nối từ khu ruộng lúa ra thôn, với vẻ mặt vui tươi, ông A Nuông (thôn Kon Chênh) nói: “Năm nay lúa phát triển rất tốt. Nhờ có đường bê tông vào khu sản xuất nên việc vào thăm rẫy, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển thuận lợi, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn”.

Ông Nuông đưa chúng tôi vào rẫy trồng sâm đương quy cách nhà 2km và kể: “Trước kia rẫy này chỉ trồng mì, bắp, thu nhập không cao, gia đình rất khó khăn. Tôi cũng muốn chuyển đổi sang trồng cây khác nhưng vì không có vốn nên đành chịu. Năm 2017 được UBND xã cấp phát miễn phí giống sâm đương quy và phân bón nên gia đình tôi làm đất rồi chuyển qua trồng cây này. Bây giờ vườn sâm của nhà có khoảng 2.500 cây. Tầm một năm rưỡi nữa vườn sâm này sẽ cho thu hoạch. Gia đình tôi rất vui và kỳ vọng cuộc sống sẽ đổi thay”. 

Ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết, mỗi năm nhà nước đầu tư khoảng 4,5 tỷ đồng để xây dựng giao thông, cải tạo và xây mới hệ thống thủy lợi, xây dựng trường học, các công trình nước sinh hoạt, hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện và đồng bộ, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống. Nhiều năm qua tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn giảm. Cuối năm 2016, xã có 316 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 53,74%. Đến năm 2017, số hộ nghèo giảm còn 249 hộ, chiếm tỷ lệ 37,56%. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã đạt kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2017, xã đã hoàn thành 11/19 tiêu chí. Lộ trình trong năm 2018, UBND xã đưa ra kế hoạch đạt thêm 4 tiêu chí. Công tác phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo được triển khai mạnh mẽ; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của nhà nước được triển khai kịp thời, đem lại hiệu quả; các mô hình phát triển có hiệu quả được chú ý nhân rộng. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được nhân dân hưởng ứng và đem lại hiệu quả thiết thực. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 18,5 triệu đồng/người/năm.

UBND xã đẩy mạnh thực hiện các nội dung phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới; phong trào xây dựng thôn văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa. Đến nay tổng số thôn làng văn hóa trên địa bàn xã được công nhận đạt tỷ lệ 90%. Hộ gia đình văn hóa có 437 hộ, đạt tỷ lệ 75%. Các nhà văn hóa cộng đồng thôn, sân thể thao được xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới. Các thôn đều duy trì đội cồng chiêng và đội văn nghệ quần chúng. Tiêu biểu trong phong trào xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa có thôn Kon Chênh được công nhận thôn văn hóa cấp tỉnh với 60/92 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.

Ông Trần Văn Nết còn cho biết thêm, năm 2018 xã sẽ tập trung các nguồn hỗ trợ để hỗ trợ các hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, chuyển đổi cây trồng. Hỗ trợ cho hộ nghèo các loại cây giống như sâm đương quy, hồng đẳng sâm, nghệ, xạ đen, cà phê xứ lạnh, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc; hỗ trợ dụng cụ sản xuất, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật để các hộ chăm sóc cây trồng đem lại năng suất và chất lượng cao; phân công cán bộ xã phụ trách cụ thể từng hộ để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ. Đồng thời, UBND xã làm việc với các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. UBND xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, cùng với các ban ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân, phát huy tối đa nội lực. Đồng thời tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn xã giảm xuống còn dưới 10%.

Tin cùng chuyên mục