Một trong những vấn đề khó khăn được Giám đốc Sở Y tế nêu lại, đó là việc biến động nhân viên y tế tại bệnh viện công lập, cần có cơ sở pháp luật củng cố vấn đề này. Cụ thể, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, nhân sự tại các bệnh viện công lập mới chỉ tuyển dụng được trên 1.300 người, nhưng gần 400 người nghỉ việc.
Sáng 7-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố giai đoạn 1-1-2020 - 30-6-2022 và góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu; Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) dưới sự chủ trì của đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.
Tham dự buổi khảo sát có các Đại biểu Quốc hội: Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TPHCM; PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM; PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM; cùng đại diện sở, ngành và các bệnh viện trên địa bàn TPHCM.
Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Theo đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội nhận được nhiều ý kiến liên quan đến hoạt động của ngành y tế, xoay quanh 3 vấn đề gồm chính sách, biên chế, nghỉ việc cũng như liên quan đến thiếu thuốc, vật tư y tế.
Trên cơ sở đó, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức các chương trình khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đấu thầu mua sắm thuốc tại các bệnh viện công lập, nhằm nắm lại tình hình cơ chế tự chủ, những vướng mắc khó khăn liên quan đến Luật Đấu thầu… Qua đó, Đoàn sẽ có văn bản kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ và Thành ủy, UBND TPHCM để hoàn thành dự án luật, giúp công tác khám chữa bệnh cho người dân được tốt hơn.
Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TPHCM phát biểu Không phân biệt người bệnh của công lập hay xã hội hóa
Tại buổi khảo sát, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế thành phố hiện có 78 đơn vị sự nghiệp công lập, tất cả đều được giao tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP, trong đó có 50 bệnh viện công lập với mức độ tự chủ tài chính: 45 bệnh viện tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên (26 bệnh viện tuyến thành phố; 19 bệnh viện tuyến quận/huyện); 3 bệnh viện tuyến thành phố tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên (Bệnh viện Tâm Thần TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng thành phố và Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn); 2 bệnh viện tuyến thành phố do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ (Bệnh viện Nhân Ái (tại Bình Phước) và Khu Điều trị phong).
Qua đại dịch Covid-19, ngành y tế TPHCM đã bộc lộ nhiều hạn chế, hàng loạt những vấn đề “nóng” cần sớm được Trung ương, Bộ Y tế và các bộ, ngành, thành phố sớm tháo gỡ. Một trong những vấn đề khó khăn được Giám đốc Sở Y tế nêu lại, đó là việc biến động nhân viên y tế tại bệnh viện công lập, cần có cơ sở pháp luật củng cố vấn đề này. Cụ thể, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, nhân sự tại các bệnh viện công lập mới chỉ tuyển dụng được trên 1.300 người, nhưng gần 400 người nghỉ việc.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng phát biểu Về công tác xã hội hóa y tế, người đứng đầu ngành y tế thành phố khẳng định ủng hộ việc này và mong muốn thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vững chắc cho hoạt động khám chữa bệnh… “Thành phố luôn khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp xây dựng nhiều bệnh viện tư để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng chia sẻ thêm: “Chúng tôi lấy hình ảnh chiếc máy bay để minh họa khi nói về công tác xã hội hóa. Nghĩa là khi xã hội hóa y tế phải sao cho không có cảnh: Người nghèo thì ngồi trên chiếc máy bay cũ, còn người giàu được ngồi trên chiếc máy bay hiện đại. Xã hội hóa y tế phải giúp cả 2 nhóm người trên cùng ngồi trên chiếc máy bay hiện đại”.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng phát biểu Giải thích cụ thể hơn về vấn đề này, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng, để xã hội hóa bền vững, công bằng, công khai với người bệnh thì cần có khung giá thu tính đúng tính đủ, không phân biệt người bệnh của công lập và xã hội hóa, chỉ có khác biệt về giá các dịch vụ phi y tế như phòng bệnh, căn tin, giữ xe, giặt giũ… tùy theo điều kiện kinh tế của người bệnh và đơn vị quản lý, vận hành các dịch vụ này.
Liên quan tới vấn đề giá thu khám chữa bệnh, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thông thường theo quy định là do quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả và người bệnh tự chi trả. Tuy nhiên, đối với giá khám chữa bệnh do người bệnh tự chi trả thì Sở Y tế phải chờ HĐND TPHCM phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Trong thời gian chờ phê duyệt thì giá khám chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả và giá do người bệnh tự chi đã bị chênh lệch. Kế đến, giá thu khám chữa bệnh hiện chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí (chưa có phí khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản, chi phí quản lý chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học). Do quá nhiều dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh nên các bệnh viện xây dựng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu vẫn chưa thể thực hiện theo đúng quy định.
“6 tháng đầu năm 2022, ngân sách đã tạm cấp cho ngành y tế TPHCM 434 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp thực hiện tự chủ là 214 tỷ đồng, kinh phí phòng chống Covid-19 là 70 tỷ đồng. Ngoài ra, các bệnh viện hoạt động chủ yếu từ nguồn thu khám chữa bệnh (ngoài ra có nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động liên doanh liên kết, vốn vay, viện trợ, tài trợ). Đến nay, nguồn thu của các bệnh viện 6 tháng đầu năm vẫn bị giảm sút nhiều so với cùng kỳ trước dịch. Cụ thể, tổng thu là 12.400 tỷ đồng, giảm 20% so với số thu năm 2021. Nhiều bệnh viện hiện tại không cân đối được nguồn tài chính, nguồn thu bằng 0”, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam phát biểu Đề xuất bổ sung thêm chức danh: Trợ lý điều dưỡng
Góp ý cho Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), TS-BS Nguyễn Anh Dũng lưu ý, để giải quyết việc thành phố đang thiếu số lượng lớn điều dưỡng cho các cơ sở y tế công lập, trong luật cần bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng để hỗ trợ cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc chăm sóc người bệnh.
TS-BS Nguyễn Anh Dũng dẫn chứng, trên thế giới, ngoài chức danh điều dưỡng thực hành, có chứng chỉ hành nghề thì còn có chức danh trợ lý điều dưỡng, chỉ cần giấy chứng nhận, không cần chứng chỉ hành nghề, đào tạo ngắn hạn ít nhất 3 tháng. Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có chức danh trợ lý điều dưỡng, toàn bộ công việc hành chính, thủ tục giấy tờ đến chăm sóc người bệnh đều do điều dưỡng thực hiện. Việc này khiến cho công việc của các điều dưỡng trở nên vất vả hơn.
Để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh, phải đạt yêu cầu 3 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ. Qua khảo sát, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ tại các bệnh viện công lập chỉ đạt 1,86 và có hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2. Nguyên nhân do chế độ, chính sách hiện nay chưa phù hợp với áp lực công việc của điều dưỡng, hộ sinh… dẫn tới thời gian gần đây thành phố có hơn 1.000 điều dưỡng nghỉ việc. Trong khi đó, các bệnh viện báo cáo gặp khó khăn trong việc tuyển dụng điều dưỡng mới thay thế cho số điều dưỡng đã nghỉ việc.
TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương mong muốn Luật phải đi vào cuộc sống, đem lại thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh Ngoài ra, còn do khó khăn, bất cập trong việc nâng chuẩn trình độ của điều dưỡng, hộ sinh lên trình độ cao đẳng. Theo lộ trình, đến năm 2025, toàn bộ điều dưỡng phải có trình độ từ cao đẳng trở lên. Do đó, Sở Y tế TPHCM đề xuất, nên bổ sung chức danh trợ lý điều dưỡng tại các bệnh viện. Trợ lý điều dưỡng sẽ làm các công việc như hỗ trợ người bệnh vệ sinh cá nhân, làm sạch chăn drap, giường bệnh; hỗ trợ người bệnh ăn uống, di chuyển, đi làm các xét nghiệm... Trợ lý điều dưỡng cũng có thể lấy dấu hiệu sinh tồn, tiếp nhận ban đầu, đánh giá các chỉ số chiều cao, cân nặng... của bệnh nhân.
BS-CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) kiến nghị Luật Đấu thầu; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phải có tính thực tiễn Tại buổi khảo sát, đại diện các sở ngành, đơn vị y tế đã có nhiều ý kiến đóng góp từ câu chữ; thuật ngữ đến danh mục trang thiết bị, nhân lực… nhằm giúp Dự thảo Luật Đấu thầu; Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được hoàn thiện hơn.
QUANG HUY