Cạnh tranh
Vào thời đỉnh điểm, HTV có gần 60 đối tác là các nhà sản xuất phim tư nhân với hàng ngàn tập phim được sản xuất mỗi năm. Những đơn vị lớn có thể kể tên như: Sóng Vàng, M&T Pictures, Sena Film, Vietcom Film… Tuy nhiên, sau giai đoạn thoái trào của phim truyền hình, số lượng tập phim các đơn vị này sản xuất cho các đài truyền hình giảm đi đáng kể, thậm chí chỉ bằng 1/3 giai đoạn nở rộ. Ngay cả TFS thời hoàng kim từng sản xuất 10 phim/năm, nhưng có 2 năm không sản xuất phim mới nào và phải phát lại nhiều phim cũ. Nhiều công ty sản xuất phim thu hẹp về quy mô, thậm chí phải đóng cửa.
Tương tự, ở mảng sản xuất các chương trình truyền hình, ngay cả đơn vị lớn như BHD từng nắm giữ các format đình đám: Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, Cuộc đua kỳ thú, Vua đầu bếp, Hoa khôi áo dài… cũng dần rút khỏi cuộc chơi. Nhiều kênh truyền hình XHH, vì nhiều lý do rơi vào khó khăn, thậm chí phải đóng cửa như: Astro Cảm Xúc, YANTV, Saigon Channel, VBC, Let’s Viet, Fansipan TV, M4Me, MOD, Saigon Channel, HSV… “Quy luật đào thải diễn ra hàng ngày và chỉ có những đơn vị có thực lực, sản phẩm chỉn chu mới có thể tồn tại. Chưa kể, cuộc cạnh tranh giữa các kênh sóng, các đài truyền hình và các đơn vị sản xuất luôn rất khốc liệt. Do vậy, không tránh khỏi có một số sản phẩm kém chất lượng lọt sóng truyền hình”, bà Bích Liên, Giám đốc tổ hợp truyền thông và giải trí Mega GS, nhận định.
Khi chúng ta mở cửa thị trường, sân khấu gặp nhiều khó khăn, khán giả bị chia nhỏ cho nhiều loại hình giải trí khác nhau, trong đó, các sân khấu XHH phải chịu tác động rất lớn của sự cạnh tranh này. NSND Trần Minh Ngọc nhận định: “Loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, từ âm nhạc, điện ảnh, sân khấu… trước hết phải độc đáo. Không độc đáo thì khán giả không thích. Hơn thế, khán giả hôm nay là khán giả hiện đại, có nhiều sự lựa chọn, sự đòi hỏi cao hơn. Nhưng, trong tất cả sự phát triển của các loại hình nghệ thuật, sân khấu là loại hình phát triển lạc hậu nhất. Mặt khác, bản thân người làm nghệ thuật phải tự tìm cách thay đổi: tác phẩm thời đại mới cần sự ngắn gọn, súc tích, ít lời, nhiều hành động, để phù hợp với phong cách, tác phong con người thời đại mới”.
Hiện nay, TPHCM có hơn 30 vũ đoàn. Việc thành lập vũ đoàn dễ dàng, chỉ cần một bạn biết múa, kêu gọi thêm vài người bạn là có thể thành lập được vũ đoàn, khi có show thì kêu thêm các diễn viên múa tự do là có thể đi diễn. Việc này khiến không kiểm soát được chất lượng của từng nhóm múa, vũ đoàn, làm cho thị trường múa ngày càng đa dạng nhưng cũng phức tạp, tính cạnh tranh cao.
Giải quyết những tồn tại
Về cơ bản, các đơn vị tư nhân làm sách đều cho rằng, XHH trong hoạt động xuất bản là một chủ trương tích cực, đúng đắn và kịp thời. Có điều, cùng với thực tế chung, hiện tại nhiều đơn vị xuất bản tư nhân đang đứng trước vấn nạn sách giả, sách lậu ngày một nhức nhối. Giám đốc First News - Trí Việt Nguyễn Văn Phước cho rằng, từ khi có Luật Xuất bản năm 2004 và việc Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật có hiệu lực tại Việt Nam, First News đã được tiếp thêm động lực phát triển. Hệ thống pháp luật về xuất bản (bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm) cơ bản đã đồng bộ, tạo hành lang pháp lý giúp người làm sách yên tâm hoạt động đúng hướng. “Tuy nhiên, thời gian qua, hàng trăm xuất bản phẩm được chúng tôi sở hữu bản quyền đã bị in lậu với số lượng lớn, phát hành công khai tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Diễn biến đáng ngại của tình trạng in lậu trong thời gian gần đây là các kênh thương mại điện tử vô tình trở thành phương tiện tiếp tay cho hành vi phát tán sách lậu”, ông Phước nói.
Một vấn đề không thể không đề cập là công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở ngành còn hạn chế, chưa chặt chẽ. Chẳng hạn, duyệt một vở kịch thì rất khó, nhưng với các clip dung tục, hát nhảm hay chửi thề quăng trên mạng cả triệu người coi thì lại không xử lý được. Những điều này khiến nhiều nghệ sĩ chân chính bị mất lửa. Họ cảm thấy bị xem thường, bị đánh đồng với những chương trình bình thường.
Đạo diễn Hoàng Duẩn, giảng viên Trường Đại học Văn hóa TPHCM, cho rằng, một trong những cách đầu tư cho nghệ thuật là cần phải miễn, giảm thuế cho những người đầu tư văn hóa nghệ thuật (VHNT). Nhà nước cũng cần xây các nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật - giải trí đúng chuẩn và nghệ sĩ phải rèn mình, đúng chuẩn mới được vào nhà hát thì nghệ thuật mới có giá trị. Trong khi đó, bà Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT, nói: “Trong kinh tế có khái niệm PPP, là nhà nước và tư nhân cùng hợp tác thì trong văn hóa cũng thế, cách làm XHH hiệu quả nhất là phải ngồi lại cùng nhau, thỏa thuận hợp tác cụ thể, bền vững. Phải lên kế hoạch cụ thể để có thể mời các đơn vị tư nhân quan tâm lĩnh vực VHNT cùng đăng ký hợp tác. Nhà nước có thể thực hiện một số ưu đãi như giảm thuế, miễn thuế. Đặc biệt, Nhà nước nên giữ phần gốc là ổn, đừng ôm đồm quá nhiều”.
So với các hoạt động VHNT khác, hoạt động bảo tàng khá trầm và không thu hút khách kiểu thị trường hay rầm rộ. Bởi việc đến bảo tàng tham quan, cảm nhận thường là một lượng công chúng có gu thưởng thức và có kiến thức nhất định về văn hóa xã hội. Tại Bảo tàng Áo dài, chỉ trong tháng 9 và tháng 10 năm nay, tổng lượng khách đã bằng một nửa năm ngoái. Mặc dù ảnh hưởng của dịch, nhiều hoạt động VHNT gần như đóng băng, nhưng Bảo tàng Áo dài lại có lượng khách tăng đột biến. Một trong những điều làm nên sức hút cho bảo tàng này chính là các hoạt động đi kèm với việc trưng bày và giới thiệu áo dài. “Khi đến với bảo tàng, khách không chỉ được tìm hiểu và mặc áo dài để chụp ảnh. Bên cạnh đó là các hoạt động như gói bánh ít, thắt đồ chơi bằng lá, học hát đờn ca tài tử, hát ru khiến nhiều khách rất thích thú. Mỗi hoạt động như vậy, khách chỉ mất 5.000-10.000 đồng, phù hợp với túi tiền của nhiều người và những khoản này tuy nhỏ nhưng góp phần lớn vào doanh thu chung của bảo tàng”, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, cho biết.
Nhưng trên hết, trong tình hình khó khăn chung, để hoạt động VHNT tại TPHCM có nhiều điểm sáng văn hóa nổi bật thì cần thiết phải có sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước. Một cánh én không thể làm nên mùa xuân, cần phải có cả một đàn én, mà đàn én đó phải được nuôi nấng, chăm sóc chu đáo thì mới có thể hợp sức để tạo nên những sắc màu cho mùa xuân được.
* Bà VŨ THỊ MỸ DUNG, Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo - Truyền thông Tấm và Cám: Đừng chỉ nghĩ cái lợi về mình |