Thời vàng son
Rất tâm đắc khi nhắc đến câu chuyện về XHH VHNT, bà Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM chia sẻ, từ những năm 1990 đến những năm 2000, là thời vàng son của các hoạt động XHH. “TPHCM là nơi có nhiều đơn vị nghệ thuật nhất nước, chúng ta có nhiều nhà hát, nhiều sân khấu kịch, có trung tâm ca nhạc nhẹ, có các sân khấu đại nhạc hội, hàng loạt phòng trà. TPHCM thời điểm đó cùng Hà Nội là 2 đầu cầu có hoạt động VHNT sôi động nhất cả nước. Có lúc, số lượng cấp giấy phép hàng năm cho các đơn vị nghệ thuật tại TPHCM gấp 3, 4 lần Hà Nội”, bà nhớ lại.
Thời vàng son của XHH trong phim ảnh, ca múa nhạc ở TPHCM là từ thập niên 1990, lúc đó là dưới hình thức bầu sô, sau này mới có thuật ngữ XHH. “Từng có các bầu sô nổi tiếng như Duy Ngọc, Tường Phương, Hương Loan… và họ góp phần rất lớn tạo ra những ngôi sao ca nhạc. Trong lĩnh vực phim ảnh, các hãng phim tư nhân cũng chính là nơi tạo ra những ngôi sao điện ảnh. Hãng phim Lý Huỳnh, Hai Nhất, Phước Sang… là nơi mà những diễn viên như Việt Trinh, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh, Lý Hùng… được lăng xê”, đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết.
Từ mô hình CLB Sân khấu thể nghiệm đã giới thiệu đến công chúng những Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Việt Anh, Hữu Châu, Công Ninh, Mai Thanh Dung, Thanh Thủy, Minh Hoàng, Thanh Hoàng, Thành Hội, Ái Như… Từ đó, một lực lượng khán giả yêu thích loại hình kịch nói ngày càng đông đảo tại TPHCM được hình thành và ngày càng nhân rộng, lan tỏa đến cả các tỉnh thành lân cận, giúp tạo nên sự quyết định “ra riêng” của một số diễn viên, đạo diễn trẻ, mạnh dạn đầu tư thành lập các sân khấu tư nhân. Nghệ sĩ - đạo diễn Ái Như chia sẻ: “Tôi tham gia CLB Sân khấu thể nghiệm năm 1987, vừa diễn vừa dàn dựng các vở kịch. Đến năm 2000, tôi vừa làm sân khấu 5B và làm thêm ở sân khấu XHH khác là Idecaf - nơi cho tôi nhiều sự học hỏi và trải nghiệm nghề. Đến 2010, tôi cùng anh Thành Hội tách ra làm sân khấu riêng để thỏa mãn mong muốn, trải nghiệm trong nghệ thuật ở sân khấu của riêng mình”.
Bảo tàng là một lĩnh vực rất riêng, tưởng chừng khó có thể thu hút sự quan tâm của người dân, nhưng đem lại những nét tươi mới từ sự tham gia của tư nhân. Anh Trần Ngọc Tuấn (30 tuổi, Hà Nội) thích thú: “Tôi thấy không gian trưng bày nơi đây tuy khá nhỏ so với các bảo tàng khác và nằm cách xa trung tâm, nhưng cũng đáng để mình bỏ công đi, khác xa với sự cũ kỹ hay nhàm chán ở những bảo tàng khác mà tôi có dịp tới”. Để có được sự hài lòng của khách tham quan, 400 hiện vật về sâm Ngọc Linh do ông Nguyễn Tấn Việt (Giám đốc Bảo tàng Sâm Ngọc Linh) đã mất hơn 10 năm sưu tầm và tìm hiểu về sâm, cũng như 2 năm để xây dựng và hoàn thiện bảo tàng. Một thành công khác trong bảo tàng tư nhân ở TPHCM phải kể đến Bảo tàng Áo dài (quận 9), với lượng khách tăng dần qua mỗi năm. Phạm Anh Thư (30 tuổi, ngụ quận 3) cho biết, mình đến đây rất nhiều lần. Không chỉ đi chụp hình áo dài, mà nhóm bạn của Thư tìm đến đây bởi không gian thiên nhiên trong lành và tìm hiểu thêm những nét văn hóa dân gian rất đặc biệt ở bảo tàng. |
Từ năm 2004, sau khi có chủ trương về việc thực hiện nâng cấp xuất bản, thừa nhận vai trò của tư nhân trong liên kết xuất bản, nhờ đó, tên của các đơn vị xuất bản tư nhân mới được ghi nhận tại trang xi-nhê, các đơn vị tư nhân đã có sự chính danh để được tham gia vào quá trình hoạt động xuất bản. Cùng với sự phát triển hiệu quả của lĩnh vực in và phát hành, chủ trương XHH trong lĩnh vực xuất bản được xem như đã “cởi trói” cho các đơn vị tư nhân. Làng sách tư nhân ở phía Nam vẫn nhắc về bộ tứ Cứ - Đại - Hòa - Thân, như là những điển hình tiên phong và thành công của chủ trương XHH trong xuất bản. Bốn cái tên này cũng chính là “ông chủ” của 4 nhà sách, cụ thể: Nguyễn Hữu Cứu (Hương Trang), Lê Nguyên Đại (Thời Đại), Vũ Đình Hòa (Văn Lang) và Vũ Đình Thân (Ngọc Trâm). Bà Kiều Minh Phụng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Văn hóa Văn Lang nhớ lại: “Chủ trương XHH được triển khai vào năm 2004 giống như đã mở ra một con đường rất khả thi và hợp với định hướng của Văn Lang lúc bấy giờ. Quả thật, XHH đến với chúng tôi giống như cá gặp nước”.
Cùng với việc huy động nguồn lực từ các đơn vị tư nhân, có thể nói đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành xuất bản trong nước. Không chỉ góp phần mang đến cho người đọc rất nhiều ấn phẩm có giá trị về học thuật, về mọi mặt của kho tàng tri thức mà sự tham gia của các đơn vị tư nhân còn kịp thời mang đến cho bạn đọc những xuất bản phẩm đồng thời với thế giới. Điển hình như khi tập 15 của bộ truyện Nhật ký chú bé nhút nhát do Phương Nam Books phát hành, được ra mắt tại Anh và Mỹ, thì độc giả trong nước cũng được đọc trong cùng một ngày.
Cho đến nay, nhiều khán giả vẫn nhớ Vòng xoáy tình yêu - bộ phim được Việt hóa (remake) từ phiên bản gốc của Thái Lan - Mia Jum Pen và được xem là phim mở màn cho trào lưu giờ vàng phim Việt trên sóng HTV7 năm 2005. Phim đạt lượng người xem trung bình kỷ lục 60%, thậm chí có tập lên đến 70% tại khu vực TPHCM. XHH truyền hình đã tạo nên cơn sốt cho dòng phim remake nói riêng với rất nhiều bộ phim cho đến nay vẫn được khán giả nhắc đến như: Mùi ngò gai, Cô gái xấu xí, Cầu vồng tình yêu, Ngôi nhà hạnh phúc, Dù gió có thổi... Năm 2007, Vietnam Idol xuất hiện trên sóng HTV9 đã mang đến làn gió mới cho các cuộc thi về ca hát được mua bản quyền từ nước ngoài. Liên tiếp sau đó, hầu hết các format gameshow, truyền hình thực tế đình đám nước ngoài đều xuất hiện tại Việt Nam. “XHH truyền hình đã mang đến rất nhiều tích cực, thu hút nhiều thành phần ngoài xã hội tham gia vào công tác sản phẩm xuất phim. Điều này giúp cân bằng tỷ lệ phim Việt và nước ngoài”, NSƯT Lý Quang Trung, Giám đốc Hãng phim Đài Truyền hình TPHCM (TFS), chia sẻ.
XHH truyền hình không chỉ tạo nên mối liên kết sản xuất chương trình, phim truyện giữa các đơn vị tư nhân với đài truyền hình mà cũng là tiền đề của sự bùng nổ các kênh truyền hình do tư nhân đầu tư, tạo nên mạng lưới giải trí đa dạng và hấp dẫn. Ở lĩnh vực điện ảnh, XHH rõ nét nhất từ năm 2008. Biểu hiện sống động nhất là sự ra đời của các hãng phim tư nhân, các cơ sở phát hành, nhập khẩu, rạp chiếu phim… góp phần tạo ra một diện mạo mới cho công nghiệp điện ảnh Việt giai đoạn chập chững.
* Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM Lê Hoàng: Xã hội hóa đáp ứng nhu cầu người dân Những năm qua, có thể nói, kết quả của hoạt động liên kết trong xuất bản không chỉ là tăng về mặt số lượng mà còn là tăng chất lượng sách. Sự xuất hiện những danh mục “sách hay nhất”, “sách được bạn đọc yêu mến nhất” cũng bắt nguồn từ việc các đối tác liên kết cùng tham gia. Họ giúp cho các đầu sách đa dạng, phong phú hơn và giúp bạn đọc sát sao với thị trường hơn. Không chỉ đưa ra xã hội nhiều cuốn sách mới, nhiều đề tài mới, mà thông qua các hoạt động XHH trong xuất bản sách, đã đáp ứng gần như đầy đủ các nhu cầu trong cuộc sống của người dân liên quan tới sách. Việc đóng góp của tư nhân làm sách đã tạo nên sự tích cực đó. Nguồn lực xuất bản được tiếp sức bởi nguồn lực tư nhân. Nguồn lực ở đây được hiểu là sức lực, nhân lực, kinh phí, năng lực tổ chức cho 3 khâu xuất bản - in ấn và phát hành. Nguồn lực này góp phần làm nên sự phát triển nói chung cho ngành xuất bản Việt Nam. Có thể nói, XHH là chủ trương đúng đắn và kịp thời”. * Đạo diễn Hoàng Duẩn: Có kết nối sẽ thành công Có nhiều hình thức XHH. Đầu tiên là kết hợp với các đơn vị có nhu cầu, từ địa phương, các công ty, các bệnh viện… Thứ hai là kêu gọi nghệ sĩ hùn tiền với sân khấu, nhà hát để sản xuất, tổ chức các liveshow. Thứ ba là kêu gọi nghệ sĩ XHH trong từng vai diễn, chương trình của họ, bằng cách thống nhất bán vé nhiều thì nhận nhiều, ít thì nhận ít. XHH về cơ sở vật chất biểu diễn, các đơn vị cùng hưởng cùng chịu với nhau. Thứ nữa là XHH từ nguồn lực nước ngoài, điều này tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, nhà quản lý học được cách dàn dựng sân khấu, cách làm nghệ thuật quốc tế rất hiện đại; được tiếp cận các sân khấu quốc tế qua các tọa đàm, workshop… Tại TPHCM, phải nhìn nhận, tư nhân mang VHNT đến gần hơn với người dân. Họ năng động, bằng cách này hay cách khác, tổ chức quảng cáo, quảng bá, lưu diễn từ tỉnh này qua tỉnh kia… Đơn vị nào có người tổ chức biểu diễn giỏi thì đơn vị đó thành công. |