LTS: Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình phòng chống dịch Covid-19, nhất là việc ứng phó với biến thể mới Omicron, việc lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng chống dịch. Trong đó, các giải pháp được Chính phủ đưa ra trong công tác phòng chống dịch gồm: xã hội hóa nguồn lực phòng chống dịch, vaccine, thuốc điều trị Covid-19, tập trung bao phủ vaccine, từ nay đến hết quý 1-2022 phải tiêm đủ 3 mũi cho người thuộc diện tiêm chủng; chủ động sản xuất, nhập khẩu thuốc đặc hiệu và đề cao ý thức nhân dân. PV Báo SGGP tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp về việc đẩy nhanh tiến độ kêu gọi xã hội hóa, để cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện được mục tiêu mọi người dân tiếp cận vaccine trong thời gian sớm nhất.
Ông LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM:
Ủng hộ việc xã hội hóa tiêm vaccine
Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhân dân đã cùng chung tay để đóng góp vào quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19. Việc xã hội hóa tiêm vaccine, theo tôi, sẽ giải được bài toán người dân có quyền được lựa chọn vaccine, thời điểm tiêm phù hợp nhất, đảm bảo sức khỏe theo nhu cầu của họ. Nhà nước đóng vai trò là kênh cung cấp miễn phí vaccine cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Riêng với ngành vận tải hành khách, xã hội hóa vaccine sẽ giúp tốc độ tiêm vaccine trong người dân được tăng lên, độ phủ vaccine các vùng cũng được tăng. Từ đó, hành khách sẽ không còn tâm lý e ngại dịch bệnh khi dùng loại hình di chuyển này. Đây cũng là một trong những cách để phục hồi ngành vận tải hành khách đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Trung tá NGUYỄN THANH BÌNH, cán bộ Công an TP Thủ Đức (TPHCM):
Xã hội hóa tiêm vaccine đem lại nhiều lợi ích
Theo tôi, việc xã hội hóa tiêm vaccine sẽ đem lại nhiều lợi ích, như: vaccine nhập về là tiêm ngay, tránh tình trạng để vaccine nằm lâu trong kho đến mức hết hạn, phải gia hạn nhiều lần. Việc này còn giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, để các cơ sở y tế tập trung vào việc chống dịch, chữa trị các bệnh nhân mắc Covid-19. Cái lợi tiếp theo là không để xảy ra tình trạng tiêu cực liên quan đến tiêm phòng Covid-19. Về mặt kinh tế, các doanh nghiệp có số lượng công nhân đông không còn rơi vào cảnh đợi chờ vaccine.
Về phía người dân, những ai có điều kiện có thể chủ động đi tiêm, được chọn địa điểm, loại vaccine muốn tiêm. Theo tôi, hiện tại Nhà nước chỉ nên tiêm vaccine miễn phí cho người nghèo, vẫn kêu gọi ủng hộ kinh phí để mua vaccine cho những người khó khăn. Mặt khác, phải kiểm soát giá cả để tránh nạn “làm giá” vaccine.
Ông LÝ NHƠN THÀNH, Trưởng Ban Bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM:
Người dân sẽ đồng tình
Trong những ngày qua, số ca mắc mới Covid-19 ở TPHCM đã giảm mạnh. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với biến thể Omicron mới. Trong diễn biến như vậy, tiêm chủng vaccine và áp dụng 5K vẫn là các giải pháp căn cơ. Việc xã hội hóa tiêm vaccine chắc chắn sẽ được nhiều người đồng tình, ủng hộ, đón nhận. Cũng như công tác thiện nguyện xã hội, sẽ có nhiều người ở thành phố này hỗ trợ kinh phí để mua vaccine. Bởi lẽ, việc này sẽ hỗ trợ, chia sẻ được một phần không nhỏ ngân sách Nhà nước và thể hiện trách nhiệm của công dân.
Có thể kinh phí mua vaccine sẽ không khó khăn với người có điều kiện, nhưng là một khoản đáng kể với người thu nhập thấp, người bị ảnh hưởng trong mùa dịch… Do vậy, rất cần sự xác minh của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng nêu trên. Giá cả, loại vaccine được phép tiếp cận vẫn rất cần sự công khai, minh bạch và tư vấn của cơ quan chức năng. Hy vọng với sự chuẩn bị chu đáo, việc xã hội hóa tiêm vaccine sẽ được thực hiện để người dân có điều kiện tiếp cận vaccine trong thời gian sớm nhất, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Ông PHẠM LÂM VIỆT HUY, phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM:
Người dân chia sẻ gánh nặng với Nhà nước
Thời gian qua, các cấp, các ngành đã tập trung nhiều giải pháp phòng chống dịch hiệu quả. Trong đó có việc tiêm chủng vaccine rộng khắp cho mọi tầng lớp nhân dân. Từ trước đến nay, việc điều trị F0 tại khu cách ly tập trung, điểm thu dung và F0 tại nhà đã được cả hệ thống chính trị quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ. Toàn bộ chi phí ăn, ở, thuốc men, xét nghiệm, điều trị đều do ngân sách Nhà nước chi trả. Nguồn ngân sách chi trả cho đại dịch vừa qua đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng.
Tính đến thời điểm này, chúng ta đã thành công trong việc xã hội hóa một số lãnh vực. Do vậy, nên chăng việc tiêm vaccine và thuốc điều trị Covid-19 sắp tới cũng cần xã hội hóa. Trước mắt là chung vai chia sẻ gánh nặng với Nhà nước. Và lâu dài, là sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng xã hội, nhân dân, các chuyên gia. Hy vọng việc công khai, minh bạch giá cả cũng như chất lượng từng loại vaccine, thuốc điều trị sẽ đảm bảo không còn chuyện đầu cơ, nâng giá thiết bị vô tội vạ - mà ai đó đã gọi tên là “Ăn trên sự đau khổ của người khác”!