Để làm được điều này, ngay trong năm 2021, dù khó khăn về ngân sách nhưng ngành thể thao Quảng Ninh vẫn duy trì hoạt động đầu tư xây dựng và hoàn thiện các công trình thể thao trọng điểm với gần 30 hạng mục cùng ngân sách gần 90 tỷ đồng.
Một điểm rất đặc biệt, đó là các cơ sở vật chất mà Quảng Ninh được đầu tư theo chiến lược đường dài. Ví dụ nhà thi đấu trung tâm của tỉnh có sức chứa lên đến 5.000 chỗ ngồi cùng diện tích sàn lên đến 34.000m2, là một phần trong trung tâm thể thao có hồ bơi, trường bắn súng và sân cỏ bóng đá tập luyện. Khu liên hợp này được đầu tư ở tiêu chuẩn quốc tế, nghĩa là sẵn sàng đảm nhận các giải đấu tương tự như khu liên hợp thể thao Mỹ Đình - Hà Nội. Riêng với sân vận động chính của tỉnh thì nằm tại thành phố Cẩm Phả thay vì đặt ở trung tâm đô thị hành chính Hạ Long như các địa phương khác. Sân bóng này, cũng ở tiêu chuẩn quốc tế với 16.000 chỗ ngồi.
Cơ sở vật chất thì tỉnh bỏ ngân sách ra để làm nhưng cái sáng tạo của Quảng Ninh là tích cực xã hội hóa mọi hoạt động thi đấu bằng cách đăng cai hoặc vận động những sự kiện thể thao có kết hợp du lịch đưa về tổ chức ở địa phương. Một công đôi việc, vừa tận dụng được cơ sở vật chất vừa giới thiệu cảnh quan và phần nào đó, là giảm được ngân sách quảng bá, tiếp thị. Quảng Ninh không ngần ngại khai thác tối đa công năng của cung triển lãm, hội chợ với kiến trúc rất đẹp để tổ chức các sự kiện thể thao. Các sự kiện như đua xe, chạy marathon, 3 môn phối hợp, leo núi Yên Tử… dù là giải chính thức hay do doanh nghiệp tổ chức cũng khéo léo được đưa về Quảng Ninh.
Cách làm của Quảng Ninh khác hẳn với mô hình xây dựng những khu liên hợp thuần túy phục vụ thể thao của một số tỉnh thành trong cả nước trước đây. Các cơ sở vật chất hoành tráng, đầu tư “khủng” đó thường được xây dựng tại nơi xa khu dân cư, cứ hết sự kiện là phải đóng cửa và... phơi sương, gió. Ngay cả việc người dân muốn tận dụng không gian để rèn luyện sức khỏe cũng không được. Các công trình luôn định hướng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế nhưng ngay tại địa phương thì lại chẳng có cơ sở lưu trú hay hệ thống giao thông cùng đẳng cấp nên muốn đăng cai cũng không đủ tiêu chuẩn. Ngay trong nội bộ tỉnh, các doanh nghiệp muốn thuê tổ chức sự kiện cũng không mặn mà vì rất khó quảng bá hình ảnh. Đấy là chưa nói, địa phương nào cũng muốn mình sở hữu một khu liên hợp đầy đủ như vậy nên không hề có tính kết nối vùng, dẫn đến tình trạng các nhà thi đấu, sân vận động đều chỉ đạt mức khu vực, quốc gia. Như trường hợp đồng bằng sông Cửu Long bao năm qua không thể đăng cai sự kiện thể thao quốc tế lớn nào. Trong khi đó, xung quanh thủ đô Hà Nội hiện có đến 3-4 địa phương đủ điều kiện tổ chức các giải đấu quốc tế lớn.
Mô hình tại Quảng Ninh cũng cho thấy, có lẽ khái niệm về xã hội hóa thể thao cần được xem xét, định hướng lại. Lĩnh vực nào trong thể thao cũng kêu gọi xã hội hóa trong khi nguồn lực và khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp lại khá hạn chế. Các địa phương phải chủ động chọn môn trọng điểm, đầu tư cơ sở vật chất xứng tầm, sau đó kêu gọi xã hội hóa cho công tác tài trợ, tổ chức sự kiện với những môn thể thao thế mạnh. Nếu tỉnh nào cũng có đội bóng đá, môn có mức đầu tư quá lớn, thì khó mà thu hút được xã hội hóa vì số doanh nghiệp có khả năng tham gia không nhiều. Ngược lại, như cách làm của Quảng Ninh, tập trung vào bóng chuyền, bóng đá nữ hay các môn thể thao ngoài trời sẽ tối ưu các nguồn lực công - tư.