Tín hiệu khởi sắc
Mặc dù chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng, nhưng với nỗ lực huy động các nguồn lực của xã hội đã giúp lĩnh vực giáo dục ở ĐBSCL có những tín hiệu khởi sắc nhất định. Tại TP Cần Thơ có khoảng 562 cơ sở giáo dục ở các bậc học, với gần 376.000 học sinh, học viên, sinh viên. Trong đó, giáo dục ngoài công lập có 110 cơ sở (chiếm tỷ lệ 19,61% các cơ sở giáo dục của thành phố), với 67.789 người học (chiếm tỷ lệ 18,03%). Với vai trò là trung tâm của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đang có tỷ lệ các trường ngoài công lập hoạt động cao nhất vùng và cao hơn so với trung bình cả nước.
Cùng với Cần Thơ, thời gian qua, hệ thống giáo dục ngoài công lập ở các đô thị tại ĐBSCL cũng có sự phát triển đáng kể, nhất là bậc học mầm non. Tiêu biểu như ở TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) hiện có 13 trường, 3 cơ sở và 17 nhóm, lớp ngoài công lập ở giáo dục mầm non. Qua đó đảm đương hơn 62,8% số trẻ đến lớp (3.196/5.088 trẻ toàn thành phố, năm học 2020-2021). Ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng, cho biết: “Để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, thời gian qua, thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư. Đến nay, Sóc Trăng đã gặt hái được những thành công bước đầu, nhất là giáo dục mầm non. Từ đó, góp phần quan trọng thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giảm áp lực cho hệ thống giáo dục công lập, cũng như tinh giản biên chế trong ngành giáo dục…”.
Khó tiếp cận chính sách về đất đai, tín dụng
Trên thực tế, hiện nay ĐBSCL vẫn được xem là “vùng trũng giáo dục” của cả nước. Trong đó, mức chi ngân sách cho giáo dục mầm non, phổ thông thấp hơn bình quân chung của cả nước. Ngoài ra, quy mô mạng lưới trường, lớp ở các bậc giáo dục đều thấp hơn cả nước. Báo cáo từ Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) cho biết, để ĐBSCL có điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt mức bình quân chung của cả nước, cần đầu tư bổ sung xây mới khoảng 3.300 phòng học, kiên cố hóa khoảng 8.550 phòng học, mua sắm bổ sung 2.191 bộ thiết bị dạy học, đầu tư mới 758 phòng học bộ môn... Với những khó khăn trên, cộng với nguồn lực từ nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế như hiện nay thì việc xã hội hóa giáo dục đối với ĐBSCL đang được xem là cứu cánh để sớm thoát khỏi vùng “trũng”. Thế nhưng, rõ ràng so với các ngành kinh tế - xã hội khác thì việc thu hút đầu tư cho giáo dục còn khá “lép vế”, chưa tương xứng với tiềm năng.
Quyết tâm thực hiện xã hội hóa giáo dục, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 (ngày 4-6-2019) về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GD-ĐT giai đoạn 2020-2025. Trong đó, đặt ra mục tiêu cụ thể là thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đạt tỷ lệ 13,5% số cơ sở và 16% người học vào năm 2025. Do đó, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục càng trở nên cấp bách. |
Đến nay, hành lang pháp lý về thu hút đầu tư giáo dục đã từng bước được hoàn thiện, nhưng thực tế vẫn chưa như mong muốn. Một số nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục tại ĐBSCL cho rằng, hầu như rất khó tiếp cận với nguồn quỹ đất ưu đãi cho phát triển giáo dục, phần lớn doanh nghiệp phải tự chủ về đất. Đồng thời rất khó để tranh thủ được nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho dự án đầu tư giáo dục. Ông Nguyễn Anh, Phó Chủ tịch HĐQT hệ thống trường mầm non Edison (Sóc Trăng), nhìn nhận: “Các nhà đầu tư đang thật sự rất cần một sức hấp dẫn mạnh hơn đến từ các chính sách ưu đãi, thậm chí là chính sách đặc thù cho đầu tư phát triển giáo dục ĐBSCL. Chính sách này cần cụ thể, rõ ràng và minh bạch để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, áp dụng vào thực tiễn; từ đó tạo thành động lực cuốn hút các nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển giáo dục nước nhà”.