Xuất hiện nhiều giá trị ảo…
Trong các lĩnh vực hoạt động văn học, nghệ thuật thì điện ảnh là lĩnh vực đi tiên phong trong việc xã hội hóa. Việc xã hội hóa đã tạo ra một diện mạo mới mẻ cho điện ảnh ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng...
Số lượng phim sản xuất hàng năm tăng đột biến, từ 15 - 20 phim/năm thời bao cấp, nay có tới 70 - 80 phim/năm. Số lượng phim nhập ngoại trung bình 150 phim/năm, chủ yếu là phim Mỹ, Hàn Quốc (trước đây chỉ có vài chục phim nhập từ Liên Xô và các nước XHCN).
Cùng đó, số lượng rạp chiếu hiện đại được khánh thành cũng đã góp phần đưa khán giả trong nước tới gần hơn với điện ảnh thế giới. Song, theo TS Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, thực tế các nhà sản xuất tư nhân khi đầu tư hoặc huy động vốn làm phim thường nhằm mục đích thu lãi, nên hầu hết phim đều thuộc dòng giải trí, thương mại. Nhiều bộ phim xa rời cuộc sống, lấy con người và đời sống Việt Nam là cái cớ để chở những câu chuyện giật gân hoặc tình ái ướt át. Rất nhiều phim vi phạm những điều cấm trong Luật Điện ảnh, phải chỉnh sửa mới có thể phát hành. Trường hợp cá biệt, có phim bị cấm phát hành”.
Không chỉ điện ảnh mà với âm nhạc, văn học, sân khấu…, cùng với sự tiếp sức của xã hội hóa đã góp phần tạo ra nhiều diện mạo mới, song cũng chính xã hội hóa đã tạo nên nhiều giá trị ảo. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, thành tựu của xã hội hóa với văn nghệ sĩ nghĩa là tài năng được thừa nhận, tác phẩm được thừa nhận và tạo được tiếng.
“Xã hội hóa làm ra cả ngàn CLB thơ, nhưng tôi đọc thì không nhiều bài thơ hay hoặc có sức sống lâu dài. NXB Hội Nhà văn có 1.125 đầu sách được phát hành trong năm nhưng chất lượng thì như thế nào? Chúng ta có cả một vườn sản phẩm được gọi là văn hóa nhưng thực chất văn hóa được bao nhiêu? Tôi hoan nghênh xã hội hóa nhưng không thể vì đồng tiền mà quên đi giá trị tác phẩm. Tác phẩm phải đi vào lòng người, đấy mới là xã hội hóa cao nhất”, ông Hữu Thỉnh nói.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho biết: “Số lượng các tác phẩm sân khấu tăng lên rõ rệt nhưng vẫn chưa có nhiều tác phẩm nghệ thuật sân khấu đỉnh cao, tương xứng với thành tựu của công cuộc đổi mới”.
Thiếu bóng dáng của “nhạc trưởng” giỏi…
Mối quan hệ kinh tế và văn hóa là không thể tách rời. Chúng luôn song hành trong sự nghiệp phát triển đất nước. Sự tăng trưởng kinh tế sẽ tác động tích cực tới việc phát triển văn hóa. Ngược lại, khi văn hóa phát triển, trong đó 2 ngành ca nhạc và điện ảnh trở thành công nghiệp giải trí lớn mạnh, tác động trở lại nền kinh tế quốc dân, góp phần tăng trưởng GDP… Tuy nhiên, tại thời điểm này, chính cán cân kinh tế đang lấn át, khiến cho văn hóa, nghệ thuật bị nghiệp dư hóa, trở thành hàng hóa đơn thuần.
GS-TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho rằng đầu tư nghệ thuật là đầu tư cho những giá trị nhân văn góp phần tạo nên nền tảng tinh thần cho xã hội. “Đầu tư theo kiểu bình quân, nhỏ giọt, cứu đói như hiện nay không hiệu quả mà còn gây ra ảnh hưởng xấu lâu dài”, ông nói.
Ông đề xuất, Nhà nước thay vì cấp tiền hỗ trợ sáng tác thì nên mua tác phẩm, chương trình đặc sắc. “Đầu tư cho nghệ thuật không thể tính lỗ lãi bằng những con số cụ thể. Có khi phải chấp nhận bỏ tiền ra để mua những giá trị tinh thần mang ý nghĩa văn hóa cao rồi phổ biến cho xã hội”, TS Phạm Quang Long nói.
Cùng chung nhận định này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho rằng, cần có các giải pháp như khuyến khích đầu tư có trọng điểm vào việc sáng tác và phổ biến tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cùng với đó là xây dựng các chế tài tăng cường vai trò trách nhiệm trước pháp luật đối với các đoàn tư nhân trong công tác cấp phép, thực thi bản quyền tác giả, nghĩa vụ đóng thuế. Đây là một nguồn thu không nhỏ để tái sản xuất các sản phẩm nghệ thuật.
Trước thực trạng này, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, Nhà nước phải có trách nhiệm định hướng. “Nhà nước không thể cứ tiếp tục rót tiền cho điện ảnh để làm phim khi kết quả phim làm ra không có người xem, chất lượng nghệ thuật yếu kém… Nhưng trách nhiệm trước thực trạng này trước hết là của Nhà nước. Việc định hướng cho nền điện ảnh nước nhà trước hết là trách nhiệm của nhà nước”, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói. Nhìn nhận về thực trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ ra rằng, nhận thức của các nhà quản lý, người làm công tác văn hóa chưa đúng dẫn đến hệ lụy đáng tiếc là văn hóa chưa được nhìn nhận đúng vị trí…
20 năm, chủ trương xã hội hóa được thực thi, là một chặng đường không ngắn, đã tạo nên nhiều thay đổi trong đời sống văn hóa, nghệ thuật. Song tới thời điểm này, văn nghệ sĩ vẫn đang chờ đợi một “nhạc trưởng” giỏi, có những quyết sách kịp thời, giải quyết tốt hơn những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn văn học, nghệ thuật.