Xã hội hóa các dự án chống ngập: Tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

Giảm ngập là một trong 7 chương trình đột phá, nhưng do nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, TPHCM đã mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Do đây là lĩnh vực mới nên chỉ sau 2 năm thực hiện, các dự án đang bị “đóng băng” vì vướng nhiều khâu thủ tục pháp lý.

Dự án chưa có “tiền lệ”

Nhằm giải quyết cấp bách tình trạng ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, UBND TPHCM giao Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp cơ khí Quang Trung (Công ty Quang Trung) thực hiện giải pháp dùng máy bơm với kinh phí gần 100 tỷ đồng. Công suất của máy bơm có thể đạt 27.000 - 96.000m³/giờ, tùy theo mức độ ngập của tuyến đường ở từng thời điểm. Đầu tháng 7-2017, Công ty Quang Trung bắt đầu lắp đặt hệ thống máy bơm tại khu đất hơn 400m²ở phường 22, quận Bình Thạnh và vận hành thử nghiệm giữa tháng 9-2017. Hầu hết các đơn vị đánh giá việc vận hành máy bơm của Công ty Quang Trung có phát huy hiệu quả. Tình trạng ngập ở khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh được giải quyết tốt. 

Từ hiệu quả trên, UBND TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP ký kết hợp đồng nguyên tắc về dịch vụ xử lý chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, áp dụng công nghệ chống ngập kiểu mới với Công ty Quang Trung. Tuy nhiên, sau nhiều lần trì hoãn việc thông báo giá thuê dịch vụ chống ngập kiểu mới, Trung tâm này vừa đề xuất và kiến nghị Thường trực Thành ủy TPHCM xem xét đồng ý cho trung tâm đặt hàng thuê dịch vụ, giá thuê khoảng 10 tỷ đồng/năm và thời hạn thuê 7 năm. Giám đốc Công ty Quang Trung Nguyễn Tăng Cường cho rằng, công ty đầu tư máy móc thi công và vận hành dự án chống ngập đã hơn 1 năm, hiện chưa nhận được đồng nào của TP. “Do vậy, mức giá thuê máy bơm 10 tỷ đồng/năm như phía trung tâm đưa ra là quá rẻ. Với giá thuê như vậy không khác gì đẩy doanh nghiệp vào thế khó”. Để thực hiện dự án, ông phải thế chấp tài sản và vay ngân hàng đến nay gần 100 tỷ đồng với lãi suất hơn 9%/năm. Đến nay nguồn vốn của doanh nghiệp đã cạn kiệt và đang có khoản nợ từ ngân hàng nên việc vận hành máy bơm chống ngập không thể thực hiện được nữa. Ngày 31-8, Công ty Quang Trung đã có văn bản xin tạm ngưng hoạt động máy bơm. Được biết, chủ máy bơm từng có văn bản đề xuất UBND TPHCM thuê máy bơm 24,4 tỷ đồng/năm.

UBND TPHCM cho rằng, trong quá trình thực hiện, UBND TPHCM xác định đây là công nghệ mới, khả thi và chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết kịp thời các kiến nghị vướng mắc của nhà đầu tư. Về giá thuê dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh áp dụng công nghệ chống ngập kiểu mới là loại hình mới, chưa có tiền lệ nên chưa có đơn giá định mức theo quy định làm cơ sở tính giá thuê dịch vụ.

Tiếp tục chờ…

Dự án chống ngập thứ 2 cũng đang bị “trùm mền” là “Dự án chống ngập có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu” (giai đoạn 1), có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với mục tiêu kiểm soát ngập do triều và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Thế nhưng, hiện nay dự án đã ngừng thi công. Nguyên nhân, theo nhà đầu tư là Tập đoàn Trung Nam, dự án tạm ngưng thi công vì ngân hàng dừng giải ngân do UBND TPHCM chưa ký xác nhận đầy đủ của các kỳ báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Nhà đầu tư chờ UBND TP giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh trong quá trình tạm dừng và các khó khăn vướng mắc của dự án còn tồn tại liên quan đến đơn vị Tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ). Còn theo đơn vị TVGSHĐ, chủ đầu tư đã sử dụng vật liệu thi công cửa van thép không thống nhất với khâu thiết kế (dùng thép có nguồn gốc Trung Quốc chứ không phải của các nước thuộc khối G7). Việc này chưa được chính quyền TP chấp thuận, có khả năng khiến chi phí duy tu bảo dưỡng cao hơn. Lý giải về việc thay đổi tiêu chuẩn thép, Tập đoàn Trung Nam cho biết, đã có văn bản xin chỉ dẫn cũng như xác nhận việc này trước khi thực hiện. Đến ngày 22-8, Sở NN-PTNT đã khẳng định tính phù hợp khi thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo cửa van các cống. Sở NN-PTNT cũng kiến nghị UBND TPHCM yêu cầu Trung tâm Điều hành chống ngập và TVGSHĐ “khẩn trương kiểm tra hồ sơ và xác nhận khối lượng thi công hạng mục lắp đặt cửa van các cống kiểm soát triều của chủ đầu tư theo đúng quy định”.

Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM              Ảnh: TL
 Về vấn đề tài chính, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Tập đoàn Trung Nam BT 1547, khẳng định: “Dự án không thiếu vốn. Nguồn vốn dành cho dự án đầy đủ và luôn có sẵn để giải ngân theo Quyết định 2240 của Ngân hàng Nhà nước. Tại thời điểm dừng thi công, khối lượng thi công dự án đã đạt 72%, tương đương tổng giá trị hoàn thành là 5.690 tỷ đồng. Trong khi đó, TVGSHĐ chỉ xác nhận 3.503 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đã chi 803 tỷ đồng. Như vậy khối lượng công việc đã hoàn thành nhưng chưa được giải ngân lên tới 1.384 tỷ đồng, gây khó khăn cho nhà thầu và làm ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư và công nhân thi công trên công trường. TVGSHĐ không xác nhận thanh toán với lý do: “Tiêu chuẩn thép không có trong tiêu chuẩn UBND TP duyệt; chỉ dẫn kỹ thuật S355 xuất xứ G7, cơ tính và hóa tính tương đương S355”.  


“Thực tế trong hồ sơ thiết kế tại cuốn chỉ dẫn kỹ thuật do tư vấn thiết kế lập ban đầu có nội dung này. Tuy nhiên, quy định như vậy là chưa phù hợp với Luật Xây dựng (Điểm đ, Khoản 2, Điều 86). Đó là: không được chỉ định nhà sản xuất cung cấp vật liệu, vật tư và thiết bị xây dựng trong nội dung thiết kế xây dựng của công trình sử dụng vốn nhà nước” - ông Nguyễn Tâm Tiến nói. Để phù hợp với các quy định của pháp luật, đơn vị tư vấn thiết kế đã đính chính lại nội dung chỉ dẫn kỹ thuật: “Vật tư chính chế tạo cửa van là thép S355 hoặc loại tương đương SM490A-B, Q345B, A572 Gr.50,...”. Về kỹ thuật chuyên ngành, bản vẽ là quan trọng nhất trong hồ sơ thiết kế làm căn cứ để triển khai thi công. Đại diện chủ đầu tư cho rằng, TVGSHĐ không thể căn cứ vào một điều khoản trái quy định pháp luật để không xác nhận thanh toán. TVGSHĐ là đơn vị tư vấn ký hợp đồng với UBND TPHCM để quản lý hợp đồng (không phải là tư vấn giám sát thi công công trình).

Nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cuối tháng 8 vừa qua, UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét, chủ trì cuộc họp với các bộ ngành để giải quyết những vướng mắc xung quanh dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã ngừng thi công hơn 4 tháng do Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn ngừng giải ngân.

Trao đổi với PV Báo SGGP, một số chuyên gia chống ngập cho rằng, đối với những dự án chưa có tiền lệ, chưa có đơn giá định mức, cũng như tiêu chuẩn theo quy định làm cơ sở tính giá thuê dịch vụ hoặc thanh toán khi dự án hoàn thành, các đơn vị chức năng nên khẩn trương tổ chức họp để đưa ra hướng giải quyết kịp thời các kiến nghị, vướng mắc của nhà đầu tư. Giải quyết được khâu này, mới mong có nhiều nhà đầu tư khác tham gia vào các dự án chống ngập cũng như các dự án hạ tầng giao thông.

Tin cùng chuyên mục