Nhờ vẻ đẹp hoang sơ nên xã đảo Tam Hải được nhiều người biết đến, UBND tỉnh Quảng Nam đang ưu tiên phát triển du lịch tại đây. Tuy nhiên, do địa hình trắc trở, xã đảo lại đang đối mặt với vấn nạn rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã gây mất cảnh quan môi trường du lịch, cũng như đời sống người dân. Nguồn rác thải không chỉ do người dân sống trên xã đảo, mà còn đổ về theo dòng sông Trường Giang. Trung bình mỗi ngày, lượng rác thải tại xã khoảng 6 tấn, nhất là khu vực chợ.
Do không có địa điểm tập kết rác, các tiểu thương cứ mặc nhiên xả rác ra bến sông. Dọc các bãi đất trống là hàng chục khối rác lộ thiên; ven bờ biển, bờ sông, rác cũng nằm la liệt. Khách du lịch chỉ biết “lắc đầu” ngán ngẫm… Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt nguồn kinh phí xây dựng lò đốt rác thải cho xã đảo. Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua, dự án vẫn chưa được triển khai.
Theo ông Trần Ngọc Hữu, Chủ tịch xã đảo Tam Hải, lý do là chưa tìm được vị trí để xây lò đốt rác. Địa điểm đầu tiên được chọn là thôn Bình Trung, nhưng các hộ dân không đồng tình vì cho rằng khoảng cách mà Bộ Y tế quy định là phải cách nhà dân 500m. Trong khi đó, vị trí lò lại đặt cách hộ dân gần nhất cũng khoảng 200m. Sau đó, vị trí được khảo sát tiếp tại thôn Thuận An, nhưng tại đây cũng “vướng” 4 hộ dân phản đối, do quá gần nhà họ.
Ông Hữu cho biết, hầu hết người dân đều đồng tình, chỉ là không thống nhất vị trí đặt lò đốt rác. Do địa hình là xã đảo, bốn bề sông nước, mật độ dân cư đông, nên mặc dù đã nhiều lần khảo sát nhưng xã vẫn khó khăn trong việc chọn địa điểm xây dựng lò đốt rác có khoảng cách xa khu dân cư 500m như quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Sĩ (người dân thôn Bình Trung): “Công trình lò đốt rác thải quá gần khu dân cư. Thêm nữa, nhiều hồ tôm đang nuôi gần đó, sợ ảnh hưởng nguồn nước, gây chết tôm…”.
Ông Hồ Quốc Thanh, Trưởng thôn Bình Trung, chia sẻ: “Cả thôn có 310 hộ dân, trong đó có khoảng 30 hộ sống gần vị trí lò đốt rác nhất, họ lo ngại nếu rác chuyển đến không xử lý liền sẽ gây hôi thối. Rồi nhiều xã khác như Tam Quang, Tam Giang cũng sẽ chuyển rác về gây ùn ứ. Rồi nguồn nước sẽ bị ô nhiễm vì hầu hết dân xã đảo dùng nước giếng...”.
Chia sẻ những lo lắng của người dân, ông Chung Thành Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam (đơn vị được giao thực hiện dự án) cam kết: “Rác đưa về sẽ được đưa vào lò đốt ngay, khói sẽ qua hệ thống làm mát, hệ thống hấp thụ mùi khét, sau đó được rửa bằng hơi nước để lắng bụi trước khi thải ra môi trường. Đây là lò đốt áp dụng công nghệ tiên tiến, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng kiểu dáng công nghiệp, khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
Quy trình xử lý rác được thực hiện khép kín, lò đốt được 500kg rác/giờ nên chỉ trong vòng 12 giờ là xử lý hết lượng rác trên xã đảo thải ra”.
Việc xây dựng lò đốt rác tại xã đảo Tam Hải là rất cấp thiết. Nhưng xây dựng như thế nào lại cần sự đồng thuận của cả người dân lẫn chính quyền. Đồng thời, đơn vị được giao thực hiện dự án phải có cam kết rõ ràng hơn nữa trong việc vận hành lò để người dân yên tâm.