Phát triển kinh tế biển
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, cho biết sản lượng kinh tế năm 2017 của địa phương đã vượt khó một cách ngoạn mục và con số hơn 800 tỷ đồng là lớn nhất từ trước đến nay.
Theo ông Hiếu, nét chủ đạo của sản lượng kinh tế năm nay của xã Bảo Ninh là du lịch dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, đã mang lại khoảng 300 tỷ đồng cho người dân địa phương, trong khi đó mảng đánh bắt thủy hải sản đạt hơn 11.000 tấn, với khoảng 500 tỷ đồng doanh thu.
Ông Hiếu còn cho biết thêm, cơ cấu nông nghiệp chiếm 5%, chủ yếu trồng rau sạch trên cát, mang lại thu nhập cao cho người dân. Là một xã biển có 540 tàu cá, chủ yếu đánh bắt xa bờ các loại cá đặc sản xuất khẩu, đã tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động cho các địa phương của tỉnh Quảng Bình, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/chuyến đánh bắt.
Ông Hiếu đánh giá, có chủ tàu chia cho người làm công mỗi chuyến từ 10-15 triệu đồng khi đánh bắt trúng lớn. Xã Bảo Ninh không có đất làm ruộng, tuy nhiên người dân biết vươn ra biển lớn đánh bắt xa bờ, làm ăn du lịch…, đã khiến nơi đây trở thành xã biển nông thôn mới hùng mạnh.
Còn nhớ năm 2016, sự cố môi trường biển làm cho Bảo Ninh điêu đứng. Không thể than nghèo kể khổ, người dân địa phương đã tìm cách khắc phục: “Bà con ngư dân đi biển xa, buôn bán liên kết, đánh được cá tươi là bán ngay trên biển tạo uy tín, khiến các tàu hậu cần nghề cá yên tâm. Từ đó mà năm 2017, các thuyền đánh bắt xa bờ đều phát huy lợi thế, đẩy lùi khó khăn, làm ăn tấn tới”, ông Hiếu cho biết. Ngư dân Nguyễn Công Hoan, một chủ tàu thành công trong đánh bắt nhiều năm, nói: “Người dân đồng lòng vượt khó, có tàu lớn là phải ra khơi để đảm bảo việc làm cho bạn thuyền, nộp thuế, góp phần xây dựng nông thôn mới và coi đây là trách nhiệm, tăng thêm thu nhập, nên ai cũng tấn tới”.
Hơn 80 nhà tiền tỷ được xây mới
Ông Nguyễn Văn Hiếu thông báo, xã Bảo Ninh hiện chỉ còn 0,6% hộ nghèo, đó là một bước tiến rất lớn đối với vùng biển không có thước đất trồng lúa. Lúc sự cố môi trường biển xảy ra, kinh tế năm 2016 phát triển chỉ hơn 8%, đến năm 2017 với nỗ lực vươn lên, kinh tế của bán đảo này đạt hơn 11%. Ông Hiếu còn tự tin cho biết, năm 2018 sản lượng đánh bắt thủy hải sản phải hơn 13.000 tấn, du lịch tăng thêm 150 tỷ đồng, chỉ số phát triển kinh tế phải hơn 12%-13%.
Năm 2017, hàng trăm căn nhà trên địa bàn được sửa sang xây mới, trong đó có hơn 80 căn được ngư dân địa phương dựng lên có giá trị từ 1,5-4,5 tỷ đồng/căn, tất cả đều là từ công sức mồ hôi lao động mà ra.
Ngư dân Nguyễn Công Hoan vừa cất căn nhà mới, cho biết: “Bà con làm ăn với sức lực lao động trên biển, dựng căn nhà ra đều tự hào là từ tiền túi tích cóp siêng năng mà có, vậy nên làm được nhà là mừng, lại đẹp cho làng xã”.
Từ nỗ lực của địa phương, người dân, trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang (tích cóp từ một phần thu ngân sách xã và con em đóng góp). Người dân đến liên hệ công việc được hướng dẫn tận tình, lịch biểu đăng ở bảng điện tử ngay tầng một.
Cụ Nguyễn Xa - một người dân địa phương, cho biết: “Ngày xưa xã rất nghèo, nay đã phấn đấu đi lên, phát triển từng ngày, đi đến đâu cũng thấy xây dựng, không chỉ trụ sở UBND xã mà các công trình phúc lợi khác cũng được quan tâm”, cụ thể như công trình trường mầm non của xã đang xây dựng cho hàng trăm cháu vào học, với thiết kế hiện đại, nhà thể thao đa năng cấp xã nhưng có dáng dấp bề thế, khiến giới trẻ rất thích thú.
Bảo Ninh từ một địa phương phải nhờ vào ngân sách điều tiết từ cấp trên, nhưng nay theo như ông Nguyễn Ngọc Hiếu, đã chủ động chi trả lương bổng và các dịch vụ khác, không còn trở thành gánh nặng ngân sách. Quê hương Mẹ Suốt nay đang mạnh lên để làm giàu, người dân rất hy vọng bán đảo này sẽ ngày càng đổi mới đi lên và đóng góp nhiều hơn nữa cho xây dựng kinh tế biển và hải đảo.