
Tháng 5-1996, trong cuộc họp tại Zurich (Thụy Sĩ), FIFA quyết định chọn Hàn Quốc và Nhật Bản đồng đăng cai World Cup 17-2002. Đây là lần đầu tiên châu Á đăng cai World Cup và cũng là lần đầu tiên có hai nước đồng tổ chức giải đấu lớn nhất hành tinh (không tính giải đấu cấp khu vực là Euro 2000 tổ chức tại Bỉ và Hà Lan).

Cú đánh đầu lịch sử của Ahn Jung Hwan đưa Hàn Quốc vào tứ kết.
Và cũng ngay trong trận đầu tiên, bất ngờ lớn đã xảy ra. Đại diện cho làng bóng châu Phi lần đầu dự World Cup, tuyển Senegal đã đánh bại đương kim vô địch Pháp 1-0 ngay trong ngày khai mạc, mở đầu cho tấn bi kịch 3 màn dành cho các chú gà trống Gaulois. Họ hòa Uruguay 0-0 ở màn kịch thứ 2 và thua Đan Mạch 0-2 ở màn chót, với hình ảnh một Zidane lê bước nặng nề rời sân với cái chân sưng tấy.
Senegal đã thay thế Cameroon tiếp nhận danh hiệu “hiện tượng châu Phi” ở giải lần này. Họ hòa Đan Mạch 1-1, hòa Uruguay 3-3, sau khi dẫn trước đối thủ Nam Mỹ đến 3-0. Chưa hết, vào vòng hai, Senegal hạ luôn Thụy Điển 2-1 và chỉ dừng bước ở tứ kết trước Thổ Nhĩ Kỳ với tỷ số khít khao 0-1.
Nhân tiện nhắc đến Thổ Nhĩ Kỳ, một bất ngờ khác của giải vốn là đội bóng duy nhất có đến 2 lần chạm trán Brazil. Lần đầu ở vòng bảng, họ thua sát nút 1-2, nhưng lại dẫn trước 1-0 ở phút 45 (Hasan Sas), Ronaldo gỡ hòa phút 50 và Rivaldo ghi bàn thứ hai phút 87 từ chấm 11m. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ hòa Costa Rica 1-1 và thắng đậm Trung Quốc 3-0 (đại diện châu Á này lần đầu dự vòng chung kết World Cup đã không để lại ấn tượng nào, với 3 trận thua mà không ghi nổi 1 bàn thắng). Vào vòng hai, Thổ Nhĩ Kỳ thắng tiếp Nhật Bản 1-0, Senegal 1-0 ở tứ kết. Lần thứ hai gặp lại Brazil ở bán kết, Thổ Nhĩ Kỳ lại thua sát nút 0-1. Tuy nhiên, vốn được mệnh danh “sát thủ châu Á”, Thổ Nhĩ Kỳ thắng Hàn Quốc, vốn là bất ngờ thú vị nhất giải, với tỷ số 3-2, đoạt hạng ba.
Một bất ngờ khác đến từ hai vị chủ nhà châu Á. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, sự phát triển bóng đá đỉnh cao từ lâu nay, thuê được những ông thầy giỏi như Guus Hiddink (Hàn Quốc) và Phillipe Troussier (Nhật Bản) và quan trọng nhất là sự ủng hộ cuồng nhiệt của khán giả, hai đội tuyển chủ nhà đã chơi những trận vòng bảng thật ấn tượng. Nhật Bản hòa Bỉ 2-2, thắng Nga 1-0, Tunisia 2-0, còn Hàn Quốc thắng Ba Lan 2-0, hòa Mỹ 1-1, thắng Bồ Đào Nha 1-0. Nếu như Nhật Bản bị chặn đứng ở vòng hai thì Hàn Quốc lần lượt loại hai đối thủ châu Âu sừng sỏ là Ý 2-1 và Tây Ban Nha 5-3 trong 11m luân lưu (hòa 0-0 sau 120 phút) và chỉ thua khít khao 0-1 trước tuyển Đức.
Lần đầu tiên Brazil và Đức chạm trán nhau ở vòng chung kết World Cup sau bao lần lỗi hẹn vào phút chót. Mà họ lại gặp nhau ở trận đấu quan trọng nhất giải, trận chung kết. Nếu Đức thắng, họ san bằng số lần đoạt cúp thế giới với Brazil là 4-4, còn nếu thua, người Brazil ghi tên mình vào kỷ lục Guinness về số lần đoạt được cúp vàng. Song, “cỗ tăng” Đức vốn hùng hổ ở vòng ngoài (thắng Saudi Arabia 8-0, Cameroon 2-0, hòa Ireland 1-1, thắng Paraguay ở vòng hai, Mỹ ở tứ kết, Hàn Quốc ở bán kết cùng tỷ số 1-0) đã thua “tâm phục khẩu phục” các vũ công Brazil 2-0 trong trận chung kết.
Chiến thắng lần thứ năm của Brazil thật xứng đáng. Dù người hâm mộ khó tính cho rằng ê kíp 2002 chưa thể sáng bằng các thế hệ đàn anh năm 1970, 1982 hay 1986, nhưng vấn đề quan trọng là đã làm nên chuyện lớn, mang chiếc cúp vàng quý giá về cho Brazil.
Vài số liệu kỹ thuật
- 198 đội tuyển dự vòng loại khu vực, chọn 32 đội vào vòng chung kết.
- 64 trận đấu trong giải, với 161 bàn thắng, trung bình 2,52 bàn/trận.
- 2.705.134 lượt khán giả đến sân, trung bình 42.268 người/trận.
- 8 là số bàn thắng của “Vua phá lưới” Ronaldo.
MINH HÙNG
Cùng bạn đọc Chúng ta vừa kết thúc cuộc hành trình lướt qua 17 kỳ World Cup, với nhiều chi tiết lịch sử thú vị, lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam. Phần lớn các tài liệu trên được rút ra từ cuốn “The Encyclopedia of World Cup Soccer” của tác giả người Brazil, ông Orlando Duarte, được Pelé viết lời tựa và do Nhà xuất bản McGraw-Hill ấn hành. Ban Thể thao Báo SGGP có nhã ý gửi tặng bộ VCD 161 bàn thắng tại World Cup 2002 làm quà cho 3 độc giả đầu tiên gửi đến tòa soạn báo SGGP bộ sưu tập đầy đủ, được trình bày gọn, đẹp 17 bài viết về 17 kỳ World Cup, qua chuyên mục “Tiến tới World Cup 2006”. |