Workshop nghệ thuật - Tiếp thị và định hình thị hiếu

Nghệ thuật vốn thiên về cảm nhận và gu thẩm mỹ của mỗi người. Những workshop nghệ thuật mở ra ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu nghệ thuật của khán giả và giúp đơn vị tổ chức, nghệ sĩ tiếp cận công chúng nhanh chóng.

 Thêm nguồn thu

Ngoài việc trưng bày, mua bán tranh - ảnh, các phòng tranh thương mại và trung tâm trưng bày nghệ thuật bắt đầu chú trọng mảng workshop để thu hút khách hàng và tạo thêm nguồn thu. Fanpage cập nhật hình ảnh bức tranh chủ đề, khách yêu thích đăng ký tham gia workshop và chuyển khoản để giữ chỗ. 

Workshop nghệ thuật - Tiếp thị và định hình thị hiếu ảnh 1 Workshop chia sẻ về thiết kế mỹ thuật trong điện ảnh do Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory tổ chức mới đây
So với việc học mỹ thuật bài bản - người học mất nhiều thời gian để trải qua nhiều bước luyện tập trước khi vẽ một bức tranh hoàn thiện, với workshop vẽ tranh chỉ mất từ vài giờ, khách tham gia sở hữu một bức tranh do chính tay mình vẽ. Đặc biệt người tham gia chỉ cần đóng tiền và đến theo lịch hẹn, không cần mang theo bất cứ họa cụ nào vì mọi thứ đã được các phòng tranh chuẩn bị sẵn.


“Khách mua tranh hoặc sưu tầm tranh đa phần đã có gu thẩm mỹ nên tuyển chọn rất kỹ. Buổi workshop học vẽ tranh thì khác, tâm lý khách chính là thích được cầm cọ, vẽ màu, pha màu, nên những yếu tố kỹ thuật hay góc độ mỹ thuật chuyên môn, họ không đòi hỏi cao, chủ yếu là vẽ vì thích, vẽ để thư giãn. Khách tham gia workshop được cầm cọ, pha màu trực tiếp cho bức tranh của mình, tất nhiên sẽ có giáo viên hướng dẫn và hỗ trợ khi khách cần”, chị Lê Thanh Hiếu (quản lý một phòng tranh trên đường Nguyễn Cảnh Chân, quận 1) chia sẻ.

Tham gia khá nhiều workshop vẽ tranh cuối tuần, Võ Thị Hoài Thanh (ngụ quận 5) nói: “Chủ yếu tôi vẽ để thư giãn và làm kỷ niệm nên chuyện xấu đẹp không quan trọng. Tôi và nhóm bạn hay nói vui với nhau là học chép tranh cũng không sai, vì vẽ y như bức tranh chủ đề của buổi học thôi, nhưng cả nhóm thấy vui nên cuối tuần thường hẹn nhau ở workshop để vẽ”.

“Tùy không gian mỗi nơi mà buổi workshop giới hạn bao nhiêu người, bên chúng tôi không quá 20 người mỗi buổi, để người hướng dẫn workshop không quá tải. Ngoài vẽ, những lớp học làm tò he cũng thu hút khách, nhất là học sinh. Nguồn thu từ những buổi workshop đôi khi là thu nhập chính của phòng tranh”, anh Hà Quốc Anh (40 tuổi, chủ studio nghệ thuật trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) cho biết.

Hình thành xu hướng, phong cách mới

Nếu những workshop vẽ tranh, thêu, làm tò he, làm gốm… mang tính trải nghiệm và thư giãn, thì những workshop trò chuyện, chia sẻ cùng diễn giả, nghệ sĩ góp phần định hình gu thưởng thức nghệ thuật hơn. Những đề tài mà các workshop dạng này bàn luận cũng bắt đầu kén và chọn lọc khán giả.

Từ góc độ một chuyên viên tổ chức sự kiện, chị Đặng Minh Thu (quận 3) cho biết: “Đề tài mà workshop đưa ra và danh sách khách đăng ký cũng đã có sự chọn lọc, như nói về mỹ thuật kiến trúc sẽ thu hút sinh viên các trường có chuyên ngành này, rất ít trường hợp khách đến vì tò mò hay đến nghe cho vui. Vì vậy, ngay trong buổi workshop, mình đã hiểu được khách tham gia của mình là ai, nói về vấn đề họ quan tâm, từ đó dễ chia sẻ và cùng hình thành những xu hướng, phong cách mới về nghệ thuật”.

Tuy nhiên, để có thể hình thành một gu thẩm mỹ trong thường thức nghệ thuật thì một buổi workshop kéo dài 2 đến 4 giờ vẫn chưa nói được điều gì. Nhưng khả năng phân loại khán giả để tiếp cận thì có thể, bởi đội ngũ tổ chức các workshop chuyên sâu về nghệ thuật sẽ phân tích các câu trả lời từ mẫu đăng ký online của người đăng ký và xác nhận họ có được mời dự hay không. Bên cạnh đó, những workshop chia sẻ kiến thức làm nghề cũng được chú trọng hơn. Thường xuyên tổ chức những workshop chuyên về điện ảnh và nghề đạo diễn, chị Mai Anh (ngụ quận 3) chia sẻ: “Những buổi workshop chuyên sâu này, người tham gia phải đóng phí, thậm chí phí khá cao nhưng bù lại, họ được cung cấp tài liệu hoặc thực hành kỹ năng cần thiết trực tiếp với chuyên gia để hiểu hơn về ngành nghề, lĩnh vực mình quan tâm. Thường những workshop thế này chọn lọc đối tượng tham gia nhất định. Đó là những người đã đi làm, cần nghiên cứu thêm về lĩnh vực mà họ đã học”.

Workshop ngày càng phổ biến và thu hút khách tham gia, nhất là giới trẻ, nhưng để nói chuyện học hỏi kiến thức chuyên sâu hay hình thành một lớp khán giả thường thức nghệ thuật có gu hơn thì cần phải có thời gian lẫn đội ngũ tổ chức chuyên nghiệp. 

Workshop được hiểu đơn giản là một chuỗi những hoạt động như trao đổi, chia sẻ kiến thức, phương pháp thực hành, kỹ năng có liên quan đến một ngành nghề/lĩnh vực nào đó. Thành phần của một buổi workshop gồm diễn giả/chuyên gia/nghệ sĩ... 
và khán giả.

Tin cùng chuyên mục