Dịch bệnh này đã lây lan nhanh chóng ra hơn 121.000 người từ châu Á tới châu Âu và hiện có ở nhiều nơi của nước Mỹ.
Theo Reuters, phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Chúng tôi rất quan ngại cả về mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng đáng báo động cũng như mức độ hành động kém (của nhiều nước) một cách đáng báo động. Do đó, chúng tôi đã đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được mô tả như một đại dịch”.
Cũng theo ông Ghebreyesus, nếu các quốc gia phát hiện, kiểm tra, điều trị, cách ly, truy tìm và huy động người dân của họ phản ứng kịp thời thì đã có thể ngăn chặn nhiều ca nhiễm mới Covid-19, ngăn chặn những trường hợp đó trở thành cụm và những cụm đó trở thành lây truyền trong cộng đồng.
Trong khi đó, hôm 10-3, nội các Thái Lan cũng đã chính thức thông qua gói kích thích, dự kiến sẽ bơm 400 tỷ baht (hơn 12,7 tỷ USD) cho nền kinh tế nhằm giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19.
Khi số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ vượt quá 1.000, làm gần 30 người chết, ngày 11-3, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã đàm phán các biện pháp để củng cố nền kinh tế. Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết có thể có một thỏa thuận tiềm năng bao gồm 300 tỷ USD giảm thuế, trợ giúp các khoản thanh toán tiền thuê nhà và thế chấp, thanh toán hóa đơn y tế.
Theo Reuters, tại Anh, Ngân hàng Trung ương đã cắt giảm lãi suất 0,5% trong một động thái khẩn cấp để chống lại sự sụp đổ kinh tế bởi dịch Covid-19.
Để thích nghi điều kiện thời dịch bệnh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố tất cả các nhân viên của tổ chức này sẽ làm việc tại nhà riêng vào ngày 13-3. Một người phát ngôn của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, tổ chức này cũng đang tiến hành thử nghiệm các quy trình làm việc từ xa ở quy mô nhỏ hơn. Trong khi đó, các quan chức tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York đã yêu cầu đội ngũ nhân viên thực hiện chế độ làm việc từ xa, đặc biệt là những người đến từ các quốc gia có tình trạng lây lan dịch Covid-19 trên diện rộng.