Bởi, số liệu thu thập được tại Việt Nam mới tiến hành trong khoảng thời gian ngắn, hiện khó so sánh với mức khuyến cáo trung bình hàng năm của WHO. Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng bày tỏ sự tin tưởng các chuyên gia chống độc tại Bệnh viện Bạch Mai hoàn toàn có đủ năng lực để xử lý những vấn đề liên quan đến nhiễm độc. “Tại Nam Phi cũng vừa xảy ra một vụ cháy nhà kho tương tự và chúng tôi cũng đang theo dõi và quan sát. Chúng tôi cũng sẽ đồng hành với các cơ quan y tế của Việt Nam và hỗ trợ các bạn xử lý những vấn đề cần thiết nếu có…”, TS Kidong Park nhấn mạnh.
Đề cập đến hướng dẫn của WHO về vấn đề ô nhiễm không khí do khí độc, bao gồm cả thủy ngân, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, mức ảnh hưởng bất lợi thấp nhất quan sát được của thủy ngân trong không khí, tức mức thấp nhất mà thủy ngân có thể gây ra những khác biệt đáng kể về mặt sinh học là từ 15-30 microgram/m³ trong 1 năm. WHO cũng đã xem xét đến một loạt yếu tố có thể ảnh hưởng ở nhóm người có nguy cơ cao và nhận định mức 1 microgram/m³ trong 1 năm là mức ô nhiễm trong giới hạn cho phép.
Trong khi đó, liên quan tới việc khám sức khỏe cho người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi vụ cháy, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, sau 3 ngày tổ chức khám bệnh đã có hơn 150 người được làm xét nghiệm. Qua quá trình tư vấn, khám sức khỏe cho người dân, chưa phát hiện các biểu hiện cấp tính bất thường. Đợt khám sức khỏe này sẽ kéo dài tới ngày 12-9.