Khuyến cáo của WHO nêu rõ: "Những người chưa tiêm đầy đủ vaccine hoặc không có xác nhận đã nhiễm SARS-CoV-2 và có nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong, trong đó có người từ 60 tuổi trở lên hoặc người có bệnh lý nền, nên dừng các kế hoạch đến những khu vực có lây nhiễm cộng đồng".
Ngoài ra, WHO khuyến nghị các nước áp dụng cách tiếp cận dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế và bằng chứng rõ ràng khi đưa ra các biện pháp đối với hoạt động đi lại.
Cụ thể, các nước xuất cảnh, quá cảnh và nhập cảnh có thể áp dụng các biện pháp giúp giảm thiểu nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập, trong đó có các biện pháp kiểm tra thân nhiệt, xét nghiệm và cách ly.
Khuyến nghị của WHO nhấn mạnh "tất cả các biện pháp cần phải tương xứng với nguy cơ lây nhiễm, hạn chế thời gian áp dụng và tôn trọng phẩm giá, quyền con người và các quyền tự do cơ bản". Ngoài ra, "hoạt động đi lại quốc tế thiết yếu", bao gồm các sứ mệnh nhân đạo, vận chuyển hàng thiết yếu, phải luôn được ưu tiên trong thời kỳ dịch bệnh này.
WHO đánh giá rằng các lệnh cấm đi lại đại trà không ngăn được biến thể Omicron lây lan trên toàn cầu trong khi những lệnh cấm như vậy tạo gánh nặng đối với đời sống của người dân. Ngoài ra, những biện pháp như vậy có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực y tế toàn cầu vì khiến các nước không muốn thông báo và chia sẻ dữ liệu về dịch bệnh.
WHO cho biết, tính đến ngày 28-11 có 56 quốc gia được cho là đã thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn biến thể Omicron, trong đó co việc tạm thời cấm nhập cảnh đối với người đến từ những nước đã phát hiện các ca nhiễm biến thể này.
Ngày 30-11, Tổng Giám đốc WHO - Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước bình tĩnh và có sự phối hợp trong việc thực hiện các biện pháp hợp lý ứng phó với biến thể mới Omicron, tránh tình trạng làm trầm trọng thêm vấn đề khi ở thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ các nguy cơ từ biến thể này.