Trả lời phỏng vấn, Đặc phái viên Nabarro cảnh báo biến thể này rất đáng lo ngại khi virus có khả năng né tránh "hệ thống phòng thủ" của các vaccine mà thế giới đã sử dụng từ đầu năm đến nay.
Ông Nabarro cho biết sẽ mất vài tuần để đánh giá tác động của biến thể mới. Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu cách thức lây lan của biến thế mới và tác động của nó đến các phương pháp điều trị và vaccine hiện nay. Sau cuộc họp này, WHO sẽ chia sẻ hướng dẫn với chính phủ các nước nhằm ứng phó với siêu biến thể mới. Trước mắt, WHO khuyến nghị các nước nên tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và đánh giá rủi ro khi thực thi các biện pháp hạn chế đi lại.
Biến thể mới có tên B.1.1.529, được cho là có khả năng lây nhiễm và kháng kháng thể mạnh hơn các biến thể trước đây.
Các trường hợp đầu tiên mắc biến thể B.1.1.529 được ghi nhận tại Botswana vào ngày 11-11. Ba ngày sau đó, Nam Phi ghi nhận trường hợp đầu tiên.
Các nhà khoa học cho rằng biến thể mới này của virus SARS-CoV-2 có số lượng đột biến rất cao và có nguy cơ gây ra các đợt bùng phát dịch trong tương lai bằng cách né tránh hệ miễn dịch của cơ thể. Nhằm ngăn chặn nguy lây nhiễm biến thể mới, nhiều nước đã ban hành lệnh tạm thời ngừng hoạt động vận tải hàng không từ Nam Phi và các nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi.
Ngày 26-11, Bỉ thông báo đã phát hiện ca đầu tiên tại châu Âu nhiễm siêu biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2. Đó là một người chưa được tiêm phòng, vừa trở về từ nước ngoài. Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Y tế Frank Vandenbroucke cho biết: "Chúng tôi đã xác nhận một ca nhiễm biến thể này". |