Khủng hoảng kép
Theo báo cáo Tổng quan về Nhân đạo toàn cầu năm 2022 của LHQ, trong năm 2021 có tới 828 triệu người (gần 10% dân số thế giới) bị thiếu ăn, tăng 46 triệu người so với năm 2020 và tăng 150 triệu người so với năm 2019. Năm nay, LHQ cảnh báo có thể sẽ có thêm 75-95 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực do sự gia tăng các cuộc xung đột kết hợp với đại dịch Covid-19 và thời tiết cực đoan kéo dài.
Đợt hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm qua đang hoành hành ở châu Âu cũng đang làm khô cạn các dòng sông như sông Rhine (Đức), Po (Italy), Loire (Pháp) vốn là những nguồn cung cấp nước chính cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Riêng những người trồng lúa ở khu vực thung lũng sông Po lo ngại có thể mất tới 60% sản lượng do các cánh đồng bị khô hạn. Trong khi đó, tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây gần 3 năm vẫn chưa chấm dứt khi nhiều biến thể mới tiếp tục xuất hiện gây ra các làn sóng dịch mới ở nhiều nước trên thế giới. Riêng ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) cảnh báo số người bị đói đã tăng mạnh, thêm 4 triệu người chỉ trong 1 năm trở lại đây.
Cùng góp sức giải cứu
Về cơ bản, chủ đề “Cần cả ngôi làng” nhấn mạnh đến nỗ lực tập thể nhằm đảm bảo trẻ em có cơ hội phát triển trong một môi trường an toàn. Việc tạo ra và duy trì môi trường như vậy là trách nhiệm không chỉ của riêng cha mẹ mà của tất cả các thành viên trong làng. Các tổ chức quốc tế và nhân đạo trên thế giới đã và đang cam kết nỗ lực triển khai những chiến dịch hỗ trợ đến những người cùng cực phải đối mặt cùng lúc với nhiều cuộc khủng hoảng. Nhiều nước phát triển cũng tăng viện trợ cho các quốc gia nghèo. LHQ đã tổ chức các chuyến hàng nhân đạo gồm lương thực và nhiên liệu đến Ethiopia, viện trợ 9,5 triệu USD ngăn chặn nạn đói ở Somalia. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thiết lập cầu hàng không nhân đạo ở Somalia để chuyển hàng khẩn cấp tới những khu vực khó tiếp cận bằng đường bộ ở nước này. Ngân hàng Thế giới (WB) viện trợ 100 triệu USD gồm tiền mặt và thực phẩm cho Sudan…
Mặc dù vậy, nhu cầu toàn cầu vẫn đang tăng nhanh hơn nhiều so với đóng góp của các nhà tài trợ khiến các dự án nhân đạo của LHQ đối mặt nguy cơ thiếu hụt kinh phí kỷ lục trong năm nay. Bước vào quý III, LHQ mới chỉ nhận được 1/3 số tiền cần thiết (48,7 tỷ USD) để triển khai các dự án. Hơn thế nữa, các tình nguyện viên hay nhân viên cứu trợ cũng đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng. Nhân WHD 2022, OCHA đã phát động chiến dịch kéo dài 1 tuần từ ngày 12-8 nhằm kêu gọi toàn cầu cùng nỗ lực để giảm bớt tác động của các cuộc khủng hoảng kép hiện nay, cùng nhau tạo ra những “ngôi làng nhân đạo” bằng cả hành động thực tiễn lẫn chia sẻ thiết thực.