Hướng đến thịnh vượng, ổn định
Với chủ đề “Làm việc cùng nhau, khôi phục niềm tin”, hội nghị sẽ mang đến cho các nhà lãnh đạo thế giới cơ hội để nắm bắt tình hình thế giới và định hình các quan hệ đối tác và chính sách cho giai đoạn quan trọng sắp tới. Được tổ chức sau 2 năm gián đoạn, Hội nghị WEF 2022 có sự tham gia của gần 2.500 nhà lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế phi chính phủ (NGO) và giới học giả. Hội nghị hướng đến mục tiêu tìm giải pháp cho những thách thức cấp bách nhất của thế giới bao gồm đại dịch toàn cầu, xung đột vũ trang tại Ukraine, các cú sốc địa kinh tế, biến đổi khí hậu, khai thác công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chủ đề trọng tâm cũng như những giải pháp được thảo luận và đề xuất tại hội nghị thể hiện những mối quan tâm và nguyện vọng chung của nhân loại hướng đến thịnh vượng, ổn định và phát triển sau 2 năm nền kinh tế thế giới chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19 cũng như trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị hiện nay. Trong chương trình nghị sự của WEF 2022, các nhà lãnh đạo và các tổ chức quốc tế dự kiến cùng chia sẻ những ưu tiên cho một năm đầy thách thức phía trước. Họ tham gia thảo luận cùng các doanh nghiệp về triển vọng kinh tế toàn cầu, bất bình đẳng, tương lai lành mạnh, khí hậu và khả năng phục hồi.
WEF 2022 đóng vai trò quan trọng bởi đây là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả. Được thành lập từ năm 1970 theo sáng kiến của GS Klaus Schwab, WEF thu hút hầu khắp quốc gia trên toàn thế giới tham gia với mục tiêu chung là giải quyết những vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu. Để đảm bảo an ninh cho hội nghị, Chính phủ Thụy Sĩ triển khai tới 5.000 quân nhân hỗ trợ cảnh sát địa phương. Máy bay phản lực của lực lượng không quân cũng liên tục tuần tra nhằm đảm bảo duy trì an toàn vùng cấm bay.
Nhiều thách thức
Hội nghị WEF 2022 diễn ra vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi kinh tế toàn cầu đang đứng trước các tác động lớn đến từ cú sốc kép là đại dịch Covid-19 và căng thẳng Nga - Ukraine. Hiếm khi nào dự báo tăng trưởng toàn cầu lại được điều chỉnh nhiều lần theo chiều đi xuống như từ đầu năm đến nay. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, triển vọng tăng trưởng từ nay đến cuối năm là không cao.
Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay từ mức 4,1% xuống 3,2%. Theo báo cáo Triển vọng và Tình hình kinh tế thế giới mới nhất của Liên hiệp quốc, kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng 3,1% trong năm nay, giảm so với dự báo 4% được đưa ra hồi tháng 1, phần lớn là do căng thẳng Nga - Ukraine. Với việc giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh, lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên 6,7% trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 2,9% trong giai đoạn từ 2010 đến 2020.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, trong các nền kinh tế lớn, GDP của Mỹ sẽ chạm mức 3,7% so với mức tăng 5,7% năm ngoái. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% mà nước này đề ra. Tăng trưởng của các nước khu vực Eurozone giảm xuống mức 2,8% so với mức 3,9% trước đó. Còn tại châu Á, IMF dự báo khu vực này năm nay tăng trưởng 4,9%, thấp hơn so với mức 6,5% của năm 2021. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hội nhập kinh tế mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương có thể trở thành động lực mới cho kinh tế thế giới.
Nhận lời mời của GS Klaus Schwab, Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 52 của Diễn đàn Kinh tế thế giới từ ngày 23-5 đến 24-5 tại Davos. |