Nắm bắt xu hướng
Năm 2018 là năm bùng nổ mạnh mẽ nhất của thể loại web drama. Nếu như trước đây, web drama là sân chơi của các nghệ sĩ, nhóm sáng tạo trẻ, thì nay nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã bắt đầu lấn sân. Các sản phẩm đã ra mắt trong năm qua phải kể đến: Ai chết giơ tay (Huỳnh Lập), Thập tam muội, Bổn cung giá lâm (Thu Trang), Chết thì chịu (Việt Hương), Bơ lang (Đại Nghĩa), Nam Phi liên hoàn kế (Nam Thư), Ông trùm dẹp loạn giang hồ (Ưng Hoàng Phúc)…
Trong top 10 video thịnh hành nhất YouTube 2018, Thập tam muội tập 1 đã được nhắc đến ở hạng mục video giải trí, âm nhạc. Đến thời điểm này, tập 1 đã đạt con số hơn 38 triệu lượt xem. Một đại diện khác của Việt Nam - nhóm FAPTV với nhiều sản phẩm đình đám - còn vinh dự xuất hiện trong video YouTube ReWind 2018, tôn vinh những nhà sáng tạo có thành tích tốt nhất của các quốc gia trên toàn cầu. Nhóm hiện có hơn 8 triệu lượt theo dõi, hơn 3 tỷ lượt xem.
Nhưng, với các nghệ sĩ, cá nhân sáng tạo các series (loạt phim) web drama trong năm qua, dấu hiệu tích cực nhất cho thấy thể loại này đang hòa dần vào dòng chảy chính thống, đó là việc lần đầu tiên nhiều sản phẩm đã xuất hiện trong danh sách đề cử các giải thưởng uy tín như: Ngôi sao xanh, WeChoice… Đây được xem là bước đi tất yếu, bởi các sản phẩm được đầu tư chỉn chu, tâm huyết của các ê kíp sản xuất, trong đó nhiều series kinh phí lên đến vài tỷ đồng.
“Chúng tôi đi tiên phong trong việc mở rộng cho các hạng mục của lĩnh vực web drama. Đây là sự nắm bắt xu hướng toàn cầu hóa về số và hướng giải trí mới của khán giả”, ông Lâm Chí Thiện - Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Ngôi sao xanh, cho biết.
Những cái tên có trong danh sách đề cử hai giải thưởng nói trên đều là sản phẩm được khán giả đón nhận: Thập tam muội, Thiếu niên ra giang hồ, Nam Phi liên hoàn kế, La La School: Season 2 - Đại chiến Underground, Ai chết giơ tay, Cô gái đến từ bên kia... Không quá bất ngờ khi Huỳnh Lập đã “thâu tóm” toàn bộ giải thưởng: Diễn viên Phim chiếu mạng xuất sắc, Phim chiếu mạng xuất sắc (Ngôi sao xanh); Top 10 nhân vật truyền cảm hứng do cộng đồng bình chọn và Web drama được yêu thích (WeChoice).
Khán giả tiên quyết
Cũng như sự bùng nổ ở lĩnh vực điện ảnh, sự gia tăng đột biến về số lượng các web drama tại Việt Nam hiện nay cũng đặt ra yêu cầu cao về chất lượng.
Nhìn vào thị trường phim chiếu mạng tại Việt Nam, có thể thấy một vài trào lưu nổi bật. Cách đây 2 năm, khi bắt đầu khởi phát, các series về học đường nổi lên như một hiện tượng và đến nay sức hút vẫn chưa giảm.
Thể loại tâm lý, xã hội, hài, hành động, tâm linh…, vẫn tiếp tục được yêu chuộng: Chị mười ba, Chết thì chịu, Ông trùm dẹp loạn giang hồ, Tay buôn buông tay… Nhưng xu hướng nổi bật nhất năm qua phải kể đến là cổ trang. Sau cơn sốt Diên Hy công lược, Hậu cung như ý truyện là Bổn cung giá lâm, Hoàng hậu họ Huỳnh, Kỳ án cung Diên Thọ và Nam Phi liên hoàn kế.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng vừa cho ra mắt series Bí mật Trường Sanh cung. Trong khi đó, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cùng Thiên Nam lịch đại hậu phi cũng mới công bố web drama đầu tiên về đề tài cung đấu Phượng khấu theo đúng chính sử và phục trang triều Nguyễn.
Một điều đáng ghi nhận, với các nghệ sĩ nổi tiếng, hầu hết các web drama đều được đầu tư số tiền không nhỏ. Huỳnh Lập chi gần 4 tỷ đồng cho series Ai chết giơ tay; Nam Phi liên hoàn kế của Nam Thư cũng tiêu tốn khoảng 2 tỷ đồng, Vi cá tiền truyện (Quách Ngọc Tuyên) khoảng 1 tỷ đồng…
Một số nghệ sĩ như: Việt Hương, Thu Trang, Đại Nghĩa, Ưng Hoàng Phúc… dù không tiết lộ con số chính xác nhưng số tiền đầu tư cũng không nhỏ.
Với Chết thì chịu, Việt Hương cho biết, dù là phim chiếu mạng nhưng chị đầu tư sản xuất theo chuẩn phim điện ảnh. Các tác phẩm đều cố gắng gửi gắm thông điệp nhất định, đó là giá trị nhân văn mang hơi thở thực tế về tình cảm gia đình (Chết thì chịu); tình nghĩa giữa những người dân nơi bến phà miền Tây (Tay buôn buông tay); sự chân thành trong tình yêu (Bơ lang); thông điệp về tình yêu, tình bạn, giới thứ 3 (Ai chết giơ tay)…
Thị trường web drama đang ở giai đoạn bùng nổ nhưng có thể thấy cũng chỉ từng đó gương mặt xuất hiện trong sản phẩm của chính mình, cho đến tham gia các series của đồng nghiệp; vậy nên, không tránh khỏi lối diễn đôi khi còn sự rập khuôn, na ná nhau và chưa có gương mặt mới đột phá.
Bên cạnh nhiều sản phẩm được ủng hộ, vẫn có những series gây tranh cãi. Vừa ra mắt, Bí mật Trường Sanh cung được cho là có nhiều chi tiết “đạo, nhái” những phim cung đấu nổi tiếng như: Diên Hy công lược, Hậu cung như ý truyện, Chân hoàn truyện, mặc dù ban đầu nhà sản xuất công bố đây là dự án “thuần Việt”.
Trước đó, Nam Phi liên hoàn kế cũng bị chê vì lạm dụng hài hình thể, cách chơi chữ trong thoại nhiều, lời thoại lặp đi lặp lại… Cương thi biến (Duy Khánh) ngay từ khi giới thiệu đã gây tranh cãi vì nhân vật này giống trong phim Hoa ngữ…
Một câu hỏi đặt ra, liệu dòng phim này sẽ phát triển như thế nào, có rơi vào tình trạng thoái trào như phim truyền hình Việt hay không? Rất khó trả lời, tuy nhiên, sự sống - chết, thành - bại của trào lưu chắc chắn phụ thuộc rất nhiều vào khán giả - những người nắm quyền quyết định. Cũng giống như lĩnh vực điện ảnh hay truyền hình, chỉ có những tác phẩm chất lượng mới có thể giữ chân và duy trì thói quen người xem.