WB thúc đẩy đầu tư tư nhân vào các nước đang phát triển

Ngày 24-3, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga cho biết bắt đầu từ tuần tới, định chế tài chính này sẽ công bố nhiều dữ liệu độc quyền hơn, bao gồm cả nguy cơ vỡ nợ, nhằm thu hút nhiều hơn đầu tư tư nhân vào các nước đang phát triển.

Các con số đáng ngại

Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển đã giảm từ mức 6% xuống 4% trong 2 thập kỷ qua. Đáng chú ý, mỗi điểm phần trăm tăng trưởng bị giảm đi sẽ kéo theo 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói; đồng thời làm gia tăng nợ công. Ngoài ra, các nước đang phát triển cũng đối mặt với sự chênh lệch lớn khi có tới 1,1 tỷ thanh niên dự kiến tham gia lực lượng lao động trong thập kỷ tới, trong khi chỉ có 325 triệu việc làm được tạo ra.

Y8c.jpg
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga trong cuộc họp thường niên của WB. Ảnh: REUTERS

WB cho biết các nước đang phát triển trên đà “dẫn đến khủng hoảng nợ” và phải đối mặt với một “thập kỷ mất mát” khác, trừ khi có thêm sự hỗ trợ từ các chủ nợ. Báo cáo của WB cho biết các khoản thanh toán lãi vay ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu của các nước thu nhập thấp và hơn 1/3 nợ nước ngoài của họ liên quan đến lãi suất có thể tăng đột ngột. Nhiều quốc gia trong số này phải đối mặt với một gánh nặng bổ sung: tiền gốc, lãi và phí tích lũy phải chịu để được hưởng đặc quyền đình chỉ nợ theo quy định của G-20. Trong thập kỷ qua, các khoản thanh toán lãi vay của các nước đang phát triển đã tăng vọt gần 4 lần. Trong khi đó, trái phiếu mới do tất cả các nước đang phát triển phát hành trên thị trường quốc tế đã giảm hơn một nửa từ năm 2021-2023.

Đầu tư là “chìa khóa”

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc sáng 24-3, ông Banga nêu rõ WB và nhóm các định chế phát triển sẽ bắt đầu công bố những dữ liệu cần thiết để tạo niềm tin cho giới đầu tư tư nhân, bao gồm: tỷ lệ hoàn nợ của khu vực tư nhân tính theo mức thu nhập, dữ liệu mặc định của khu vực tư nhân theo xếp hạng tín nhiệm cũng như dữ liệu về tỷ lệ thu hồi nợ và vỡ nợ quốc gia từ năm 1985. Tất cả các biện pháp này nhằm hướng tới mục tiêu thu hút thêm nguồn vốn đầu tư tư nhân vào các nền kinh tế đang phát triển để tạo động lực và việc làm.

Cũng theo ông Banga, WB đã huy động 41 tỷ USD vốn tư nhân cho các thị trường mới nổi và thêm 42 tỷ USD cũng từ nguồn vốn này cho việc phát hành trái phiếu năm 2023. Tuy nhiên, WB nhận thấy vẫn cần phải có thêm nhiều tiến triển nữa và định chế này đang triển khai hành động trên một số lĩnh vực nhằm gỡ bỏ những rào chắn đã ngăn cản đầu tư tư nhân vào các nền kinh tế đang phát triển. Tháng trước, WB đã công bố những cải cách nhằm củng cố cơ cấu bảo đảm khoản vay và đầu tư; đồng thời tăng gấp ba lần con số cho vay bảo lãnh hàng năm lên 20 tỷ USD vào năm 2030. WB cũng đang nỗ lực lâu dài hơn để xây dựng một nền tảng chứng khoán hóa giúp các quỹ hưu trí và các nhà đầu tư khác dễ dàng đưa 70 nghìn tỷ USD của họ đến các thị trường mới nổi.

Ông Banga đánh giá cao các hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong 5 thập kỷ qua, và lưu ý từ chỗ từng là khách hàng lớn của WB, Trung Quốc hiện là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của ngân hàng này.

Tin cùng chuyên mục