Theo đó, tập trung giải pháp hỗ trợ với mục tiêu nâng cao năng lực của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đáp ứng yêu cầu và tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Bà Lê Nguyễn Duy Doanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho biết, tham gia chương trình do Bộ Công thương và WB hỗ trợ lần này có 45 DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và 8 DN FDI là các tập đoàn đang hoạt động sản xuất tại Việt Nam (Bosch, Canon, Datalogic, Denso, Ford, General Electronic, Panasonic, Toyota).
Các DN FDI sẽ cử chuyên gia để hỗ trợ doanh nghiệp nội cải thiện quy trình, năng lực sản xuất, từng bước đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng cho hệ thống chuỗi của các tập đoàn. Đây cũng là cơ sở bền vững để doanh nghiệp trong nước chuyển đổi, tham gia sâu và bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam có khoảng 1.800 DN trên các lĩnh vực sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 DN sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày (chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo).
Theo đánh giá của các nhà thu mua sản phẩm công nghiệp hỗ trợ toàn cầu, các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có năng lực khá tốt trong một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, dây cáp điện, linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật, săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới.