Dự báo này thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo mà Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 12 năm 2020.
Theo WB, trong tháng 7, doanh số bán lẻ giảm 19,8% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4 năm 2020, trong khi chỉ số sức mua (PMI) cũng giảm đáng kể. Về kinh tế đối ngoại, cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt trong vài tháng qua, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài phần nào thể hiện sự thận trọng. Các chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp bị gián đoạn do dịch Covid-19 tái bùng phát diện rộng đã buộc nhiều đơn vị xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy hoặc đình hoãn sản xuất.
Tuy nhiên, ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi”.
Bản báo cáo cũng đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách, bao gồm việc cải thiện hiệu quả của các chương trình an sinh xã hội; cảnh giác với nợ xấu; cân đối giữa nhu cầu vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế và nhu cầu duy trì nợ công ở mức bền vững.
Bên cạnh những nhận định chung về xu hướng của nền kinh tế, ẩn phẩm của WB dưới tiêu đề "Việt Nam số hóa - Con đường đến tương lai" còn tập trung phân tích khả năng Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến trên thế giới. Báo cáo nhận định, giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số hay không chủ yếu được quyết định bởi năng lực khai thác được nhiều nhất những công nghệ số được phát triển ở các quốc gia khác.
Một số giải pháp đã được các tác giả báo cáo nhấn mạnh nhằm xây dựng, củng cố năng lực số cho quốc gia với Chính phủ đóng vai trò trung tâm.
Các nhà hoạch định chính sách cần khuyến khích các doanh nghiệp và người lao động có được những kỹ năng phù hợp để tận dụng quá trình chuyển đổi số, bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp thông qua cạnh tranh và hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp và nhân tài trong nước, đồng thời thúc đẩy khả năng truy cập, chất lượng và an ninh thông tin. Ba định hướng chính sách đó đòi hỏi Chính phủ phải can thiệp khéo léo và phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân theo hướng minh bạch đầy đủ để tránh bị lạm dụng bởi lợi ích nhóm cả ở khu vực công và tư.