Thiết bị bay có kích thước 1.460x1.460x578mm, có thể gấp gọn 780x780x578mm, trọng lượng 9,7kg, sử dụng pin sạc 12.000 mAh. Bình chứa của máy có dung tích 10 lít, phun hết 1ha trong vòng 10 phút, tốc độ trung bình 6ha/giờ.
Nhờ Radar tự động phát hiện chướng ngại vật trên đường bay, người sử dụng có thể điều khiển từ xa để hệ thống phun sương hạt mịn phủ đều bề mặt, phun trên diện tích rộng, địa hình phức tạp với thời gian bay liên tục 15 phút mỗi lần thay pin.
Máy có thể được lập trình bay tự động, phun thuốc chính xác và tiết kiệm. Sau mỗi lần bay, có thể lưu lại bản đồ bay để sử dụng ở lần bay tiếp theo. Một người điều khiển thành thạo trung bình phun hết hơn 50ha trong 1 ngày làm việc.
Ông Romulo Jiménez, Quản lý vận hành bãi xử lý rác của VWS cho biết, “Thông thường ở khu vực tiếp nhận rác cần 6 công nhân phun xịt khử mùi, khi sử dụng thiết bị bay chỉ cần 1 công nhân. Thiết bị không người lái phun dung dịch đã pha dưới dạng sương mù, phủ đều trên bề mặt. Thiết bị này giúp phun xịt được ở những vùng công nhân khó tiếp cận. Trong thời gian tới, tính toán về tính hiệu quả chúng tôi sẽ đầu tư thêm thiết bị mang được tải trọng lớn hơn (20 lít) để đưa vào sử dụng. Ngoài ra thiết bị này còn có thể sử dụng để xịt thuốc diệt côn trùng rất hiệu quả”.
Khu xử lý chất thải của Công ty VWS có diện tích 128ha, mỗi ngày xử lý 5.000 tấn rác thải cho TPHCM. Công ty VWS được đầu tư 100% từ vốn Hoa Kỳ, bắt đầu triển khai dự án xử lý chất thải năm 2005. Trong quá trình vận hành, VWS luôn hướng đến việc hoàn thiện công nghệ chuyển đổi xử lý chất thải ngày càng tốt hơn. Tính đến năm 2020, công ty tiếp nhận và xử lý an toàn cho hơn 17 triệu tấn rác của TPHCM.
Theo định hướng phát triển của TPHCM, đến năm 2025, tỉ lệ chôn lấp rác chỉ chiếm khoảng 25%, 75% rác thải còn lại sẽ chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện. Theo ông David Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty VWS, chủ đầu tư Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước cho biết, VWS đã nộp tờ trình lên UBND TPHCM và các sở ban ngành về Dự án “Chuyển đổi công nghệ Đa Phước”.
Theo đó, khi dự án được duyệt sẽ được đầu tư ngay tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với diện tích hơn 12ha, có công suất xử lý 3.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, vốn đầu tư hơn 432 triệu USD.
Dự án có ưu điểm: kết hợp các công nghệ tiên tiến của Mỹ và châu Âu nên hệ thống xử lý khép kín từ khâu tiếp nhận, xử lý, đến khâu tạo ra sản phẩm; Tận dụng và xử lý tối đa lượng chất thải rắn sinh hoạt đầu vào; Chế biến rác thải thành điện năng và có thể sản xuất những sản phẩm khác như phân hữu cơ, khí nén lỏng đặc biệt là sản xuất gạch, vật liệu xây dựng từ tro sau khi đốt rác. Công nghệ này giúp giảm tỉ lệ chôn lấp tối đa, hệ thống xử lý thiết kế kín, kết hợp với bộ lọc sinh học nhằm ngăn ngừa phát tán mùi hôi ra bên ngoài.
Song song đó, công nghệ phải có giá thành hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của TPHCM. Đồng thời công nghệ được sử dụng phải đảm bảo về lâu dài không có sự cố xảy ra. Bởi vì công nghệ đốt nếu không đạt hiệu quả tốt thì khói thải ra có nhiều chất độc, trong đó có cả dioxin.
Thực tế cho thấy, mục tiêu của thành phố là ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nghị quyết thành phố đặt ra là phải xử lý rác thải bằng hình thức đốt phát điện, giảm dần tỷ lệ chôn lấp. Do đó, nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ là tất yếu. Dự báo trong thời gian tới, quy mô phát triển kinh tế, dân số của thành phố sẽ không ngừng gia tăng. Do đó, khối lượng rác thải cũng sẽ tăng, yêu cầu xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường của thành phố càng được chú trọng.