Ông là một chuyên gia trong việc xử lý chất thải tại Hoa Kỳ, đồng thời ông cùng đội ngũ chuyên gia đã có 12 năm kinh nghiệm trong xử lý chất thải tại TPHCM.
Trong những tháng vừa qua ông đã đến 7 nước ở châu Âu để tìm hiểu thêm về công nghệ xử lý rác.
PV: Được biết ông vừa có chuyến đi châu Âu để tìm về công nghệ xử lý rác, ông có thể chia sẻ về mục đích của chuyến đi này?
Ông David Dương: Khi nghe thông tin có công nghệ xử lý rác của châu Âu rẻ hơn công nghệ xử lý rác của chúng tôi dự định đưa về, tôi cùng với 2 chuyên gia đã đi 7 nước ở châu Âu để tìm hiểu các công nghệ xử lý chất thải hiện đang được các nước châu Âu sử dụng để tìm ra công nghệ phù hợp, có giá thành thấp nhất, đưa về sử dụng tại Việt Nam.
PV: Kết quả của chuyến đi như thế nào thưa ông?
Ông David Dương: Thật đáng buồn là tôi chưa tìm ra công nghệ như thông tin chúng tôi đã tiếp nhận. Trước khi đưa loại hình công nghệ xử lý rác vào đề án nộp cho thành phố, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ các công nghệ xử lý rác đang được các nước phát triển sử dụng. Công nghệ VWS đưa vào đề án đã có hơn 100 nhà máy đang sử dụng trên thế giới.
Trải qua thời gian gần 20 năm, công nghệ xử lý đã có nhiều cải tiến như: xử lý được nhiều thành phần rác để cho ra các sản phẩm từ rác phù hợp với thị trường Việt Nam; có quy trình xử lý khép kín, ngăn chặn phát tán mùi hôi, bảo vệ môi trường.
Đồng thời công nghệ đã trải qua thời gian sử dụng gần 20 năm đã góp phần giúp khách hàng kiểm định, đánh giá chất lượng trong vấn đề an toàn cho môi trường.
Công nghệ đốt trong đề án nộp cho thành phố hiện đang được Thụy Điển sử dụng để đốt rác cho quốc gia này và đốt rác cho thành phố Luân Đôn (Anh). Để xây dựng một nhà máy đốt rác đạt tiêu chuẩn như Thụy Điển tốn khoảng 100 triệu USD.
Tuy nhiên, ở Việt Nam nhờ không phải tốn những chi phí như ở bên Thụy Điển, nên giá thành xây dựng nhà máy được giảm xuống rất nhiều. Qua chuyến đi này, tôi cảm thấy rất hài lòng về công nghệ đốt và công nghệ sản xuất phân bón mà chúng tôi dự định đưa về.
PV: Ở châu Âu, rác thông thường được xử lý như thế nào thưa ông?
Ông David Dương: Ở châu Âu phần lớn các quốc gia thực hiện việc phân loại rác tại nguồn rất tốt. Tại Phần Lan, rác sau khi thu gom được đưa về 3 nơi xử lý riêng biệt. Rác tái chế được phân loại để tái sử dụng; rác vô cơ được đưa vào nhà máy đốt; rác hữu cơ được đưa vào nhà máy sản xuất phân bón.
PV: Qua 12 năm xử lý rác thải tại Việt Nam, ông nhận thấy việc xử lý rác bằng công nghệ đốt để cho ra điện năng so với việc sử dụng công nghệ phân loại rác để cho ra những sản phẩm có ích từ rác thì công nghệ nào hiệu quả hơn?
Ông David Dương: Rác ở Việt Nam có hơn 75% thành phần rác là hữu cơ. Tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, chúng tôi bắt đầu tiếp nhận rác từ 2007. Qua 12 năm làm việc, chúng tôi nắm rõ độ ẩm trong rác qua các thời điểm trong năm giao động từ 45% - 78%.
Do độ ẩm ướt quá cao nên nếu đơn thuần chỉ sử dụng công nghệ đốt thì tính hiệu quả sẽ không cao. Đồng thời chương trình phân loại rác tại nguồn chưa được hoàn thiện nên hiện nay chúng tôi tiếp nhận khoảng 6.000 tấn rác/ngày, phần lớn được đưa vào bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Nếu công nghệ trong đề án nộp cho thành phố được chấp thuận thì mỗi ngày có 2.000 tấn rác được xử lý bằng công nghệ mới.
Theo đó sẽ có khoảng 25% rác vô cơ được phân loại thành rác tái chế; 75% rác hữu cơ, sau khi loại bỏ khoảng 25% thành phần rác ô nhiễm sẽ còn khoảng 50% được chế biến thành phân hữu cơ, phân vi sinh; phần rác còn lại không sử dụng được có thể đưa vào bãi chôn lấp hoặc đốt hoàn toàn.
PV: Hiện nay, thành phố đang rất tích cực trong việc phân loại rác tại nguồn. Vậy trong giai đoạn này, công nghệ phân loại rác sẽ đóng vai trò như thế nào, thưa ông?
Ông David Dương: Chúng tôi thu gom, phân loại, xử lý chất thải ở Hoa Kỳ gần 30 năm. Đây là quốc gia rất chú trọng công tác phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, hiện nay việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa hoàn thành 100%.
Do vậy theo suy đoán của tôi, TPHCM cơ bản hoàn thành việc phân loại rác tại nguồn sẽ mất khoảng 10 năm nữa. Theo đó, công nghệ phân loại rác sẽ đồng hành song song cùng công tác phân loại tại nguồn của thành phố. Rác chưa được phân loại sẽ được đưa về nhà máy để phân loại ra từng thành phần rồi xử lý.
Rác được phân loại tại nguồn cơ bản sẽ chia làm 3 loại là rác vô cơ, rác hữu cơ và rác tái chế. Tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, chúng tôi đã xây dựng nhà máy để xử lý từng thành phần rác. Cụ thể, rác tái chế khi đưa về nhà máy chúng tôi sẽ cho ra sản phẩm tái chế. Chúng tôi đã xây dựng nhà máy tái chế 10 triệu USD nhưng chưa có nguyên liệu là rác tái chế để nhà máy hoạt động.
Chúng tôi đã xây dựng nhà máy sản xuất phân compost có công suất 5.000 tấn/ngày, nhưng hiện nay, nhà máy mới chỉ tiếp nhận 40-50 tấn rác hữu cơ/ngày, mới chỉ đạt được 1% công suất thiết kế.
Công tác phân loại rác tại nguồn càng được thành phố thực hiện tốt thì nhà máy của chúng tôi càng có nhiều nguyên liệu để hoạt động. Chúng tôi sẽ có thêm nguồn thu từ việc bán các sản phẩm từ rác.
PV: Với kinh nghiệm gần 30 năm thu gom, phân loại, xử lý chất thải ở Hoa Kỳ, ông có thể chia sẻ cách thức nhà nước Hoa Kỳ hình thành nên ý thức phân loại rác tại nguồn cho người dân?
Ông David Dương: Trong công tác xây dựng ý thức phân loại rác tại nguồn cho người dân, việc chuẩn bị của nhà nước là rất quan trọng. Trước khi kêu gọi người dân phân loại rác tại nguồn thì khâu thu gom và xử lý phải được hoàn thiện.
Nhà nước chuẩn bị các loại thùng đựng rác để phát cho người dân. Các loại thùng đựng rác phải được khảo sát kỹ lưỡng để phù hợp với kích thước của nhà dân. Mỗi nhà dân cần có không gian để ít nhất 3 loại thùng rác, rác vô cơ, rác hữu cơ và rác tái chế.
Ở Hoa Kỳ, mỗi gia đình điều có không gian rộng để các loại thùng rác, còn ở Việt Nam mỗi nhà có không gian hạn chế hơn nên chỗ để các thùng rác cũng bị hạn chế.
Đến giai đoan thu gom, khi xe đi vào trong hẻm, trên xe phải có đủ thùng phân loại để người dân thấy việc phân loại rác tại nhà là có hữu ích. Tránh tình trạng như trước đây, rác tại nhà được phân loại nhưng khi thu gom rác lại dồn vào một chỗ.
Kế đến là tuyên truyền và giáo dục, trong đó chú trọng tập trung vào thế hệ trẻ. Hình ảnh các công đoạn từ khi rác được phân loại, thu gom, tập trung, vận chuyển, đưa về nhà máy xử lý để cho ra các sản phẩm có lợi từ rác thải phải được ghi hình để phổ biến cho người dân thấy rõ ích lợi của việc phân loại rác tại nguồn.
Cuối cùng là đến chế tài xử phạt. Bước đầu cũng phải tập cho người dân có ý thức phân loại rác bằng cách bằng cách phát thùng, hướng dẫn phân loại. Kinh phí ban đầu nhà nước bù lỗ.
Khi người dân hình thành thói quen mới bắt đầu thu phí thu gom rác. Đồng thời thưởng cho những hộ gia đình phân loại rác tốt và phạt những hộ không phân loại đúng quy định.
Xin cảm ơn ông về cuộc chia sẻ này!