Đoàn công tác do ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới của Trung ương làm trưởng đoàn.
Thay mặt Đoàn khảo sát, ông Lam cho biết, mục đích của buổi làm việc nhằm tìm hiểu những mô hình, những cách làm hay của địa phương. Trong đó, Công ty VWS được huyện Bình Chánh giới thiệu là mô hình hiệu quả của địa phương trong việc xử lý rác, góp phần đảm bảo môi trường đô thị.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn lắng nghe những khó khăn, bất cập trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp để có những đề xuất tháo gỡ” – ông Trần Nhật Lam nói.
Phó Tổng giám đốc Huỳnh Thị Lan Phương đang giới thiệu các khu chức năng của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước |
Bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó Tổng giám đốc VWS bày tỏ vinh dự được đoàn đến tham quan và cho biết, hiện nay mỗi ngày công ty tiếp nhận và xử lý từ 6.000-6.500 tấn rác cho thành phố theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ. Lượng rác VWS xử lý tương đương 70% tổng lượng rác của toàn thành phố. Một phần quan trọng trong việc xử lý rác của Công ty VWS là tái chế rác thành các sản phẩm như phân compost, điện…
Quang cảnh tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước |
Không chỉ làm tốt công tác xử lý rác, bảo vệ môi trường, hằng năm VWS còn dành hàng tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn thành phố và nơi VWS đặt trụ sở tại huyện Bình Chánh; tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương. Ngoài ra, công ty VWS còn đồng hành cùng các địa phương khác trong các hoạt động thiện nguyện, từ thiện như xây cầu, hỗ trợ vốn vay cho các hoàn cảnh khó khăn thông qua Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương, tiếp thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống.
Đoàn tham quan khu vực xử lý nước rỉ rác |
Trong buổi làm việc, Đoàn cũng đã tham quan Nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy thu và phát điện từ khí gas của bãi chôn lấp, nhà máy tái chế …
Đoàn khảo sát trung ương về nông thôn mới chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo VWS |
Nhằm thực hiện chủ trương đổi mới công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt tại TPHCM để giảm tỷ lệ chôn lấp, Công ty VWS đã phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện dự án “Chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt, công suất 3.000 tấn/ngày, sử dụng phương pháp đốt phát điện” theo công nghệ Nhật Bản.