Đoàn tham quan do bác sĩ Lê Văn Nhân - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch làm trưởng đoàn. Các bác sĩ tham gia cùng đoàn hiện đang làm công tác quản lý và chuyên môn ở nhiều bệnh viện của TPHCM.
Các bác sĩ lớp chuyên khoa II về Quản lý Y tế của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM)
Các bác sĩ đã trực tiếp đi tham quan bãi chôn lấp, dây chuyền sản xuất phân compost, khu xử lý nước rỉ rác, khu đốt khí metan trước khi thải ra môi trường. Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS đã giải đáp tất cả những câu hỏi về công tác thu gom, tiếp nhận và xử lý rác tại VWS.
Đoàn bác sĩ tham quan trực tiếp bãi chôn lấp của Công ty VWS
Trả lời cho câu hỏi: rác ở mỗi nước có thành phần độ ẩm, độ hữu cơ khác nhau và nguồn lực tài chính sử dụng để xử lý rác cũng khác nhau, vậy ở nước ta cách xử lý rác như thế nào là phù hợp nhất, ông David Dương, Tổng Giám đốc VWS cho biết, rác tại Việt Nam hiện nay độ ẩm trên 60%, hữu cơ trên 70%, đây là nguồn tài nguyên tốt để sản xuất phân compost, đất sạch để trồng rau, thu khí gas để phát điện, thu khí nén lỏng sinh học dùng làm nguyên liệu để chạy xe vận chuyển rác, đây là nguồn nguyên liệu không gây ô nhiễm môi trường.
Đoàn bác sĩ tham quan tìm hiểu về quy trình xử lý nước rỉ rác của Công ty VWS
Chia sẻ về việc trong những năm tới, bãi rác ở Đa Phước đầy, rác thải của thành phố sẽ được đưa về đâu. Ông David Dương cho biết, từ nhiều năm trước lãnh đạo thành phố đã có tầm nhìn dài hạn là xây dựng khu xử lý chất thải ở Long An để xử lý rác cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho cả 100 năm sau. Dự án sau khi được xây dựng, tất cả các loại rác thải sẽ được xử lý, trong đó có rác thải y tế, phụ tùng các phương tiện vận tải, rác thải công nghệ, rác thải độc hại…
2 mẫu nước rỉ rác trước và sau khi được xử lý tại Công ty VWS
Nói về việc các quốc gia sử dụng công nghệ để xử lý rác, theo ông David Dương, ở châu Âu sử dụng công nghệ đốt với chi phí khoảng 300 USD/tấn. Phần lớn rác của họ khô ráo nên rất phù hợp để đốt. Ở Việt Nam sẽ không đủ chi phí để sử dụng công nghệ này.
Tại Hoa Kỳ, 80% rác vẫn được chôn lấp, quốc gia này đang hạn chế vấn đề đốt vì khi chôn lấp nếu có sự cố thì có thể khoanh vùng xử lý được, còn đốt cháy, khói thải ra ngoài môi trường rất khó để xử lý triệt để.
Việc chôn lấp rác ở Hoa Kỳ và tại Việt Nam sử dụng cùng một công nghệ nhưng khác nhau về thời gian phân huỷ. Tại Hoa Kỳ, phần lớn rác là vô cơ nên phải mất hàng trăm năm để phân huỷ. Còn ở trong nước, phần lớn rác vô cơ đã được các hộ dân tách riêng để bán ve chai, còn sót lại thì người lượm ve chai hay nhân viên thu gom rác cũng đã lọc lựa sạch, nên khi rác về đến bãi chỉ còn khoảng 1% là túi ni lông, số rác còn lại là hữu cơ nên chỉ cần 15-20 năm là phân huỷ hoàn toàn thành đất. Lúc đó bãi chôn lấp sẽ có được một quỹ đất rất lớn để có thể sử dụng.
Ông David Dương - Tổng Giám đốc công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam
Về việc xử lý mùi hôi, ông David Dương cho biết, thành phố có ban quản lý các dự án xử lý rác làm việc 24/24 tại Đa Phước, nên khi có bất kỳ phản ánh nào của người dân họ sẽ xử lý ngay. Về phía công ty, các chuyên gia sẽ kiểm tra vào giờ đó gió thổi hướng nào, công nhân làm việc ở khu vực nào. Với việc ứng dụng công nghệ, đơn vị quản lý sẽ có nhiều cách để xác minh chính xác nguồn của sự việc.
Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi nhiễm, Bệnh viện Quận 8 (TPHCM) nói: “Hôm nay đi học thực tế, chúng tôi thấy được quy trình xử lý chặt chẽ của rác từ khi vào đến khi cho ra các sản phẩm từ rác, xử lý nước rỉ rác đủ tiêu chuẩn để thải ra môi trường. Tôi cảm thấy rất yên tâm khi rác thải sinh hoạt được xử lý tại đây”.
Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi nhiễm, BV Quận 8, TPHCM
BS CKI Hoàng Văn Triều, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM)
Bác sĩ CKI Hoàng Văn Triều, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) chia sẻ, sau khi đến đây các bác sĩ trong đoàn đã thay đổi cách nhìn về việc xử lý rác bằng cách chôn lấp. “Trước đây tôi cứ nghĩ rác khi được đem đến đây sẽ đổ xuống hố và dùng đất phủ lên, chỉ đơn giản vậy thôi chứ tôi không nghĩ rằng đằng sau đó là một quy trình công nghệ khép kín. Và tôi nghĩ rằng hiện cũng có rất nhiều người nghĩ giống như tôi, rất mong quý công ty làm truyền thông tốt hơn để mọi người hiểu rõ hơn về quy trình xử lý rác’.
Các bác sĩ lớp chuyên khoa II về quản lý y tế của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) chụp ảnh lưu niệm