Vứt rác chỉ 1 giây, nhưng mất hàng trăm năm “xây” ý thức nhặt rác

Thảo luận tổ sáng 26-10 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhận định, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nội lực của sự phát triển bền vững.

“Văn hóa hiện diện trong kinh tế và kinh tế có trong văn hóa”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nói.

Nhấn mạnh khả năng khai thác tốt hơn “tiềm năng vô tận” của tài nguyên văn hóa, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu Quốc hội đang làm việc, sinh hoạt tại các địa phương trên địa bàn cả nước, góp phần tạo lập môi trường văn hóa, giữ gìn văn hóa bản địa. Ông cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội để chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sớm được phê duyệt, triển khai.

hugf-26-9661.jpeg
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên thảo luận tổ, sáng 26-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Dẫn lại ý kiến của nhà văn Xuân Thiều mà ông tâm đắc, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng, hình thành nếp sống văn hóa, bồi đắp thêm tài nguyên văn hóa là cả một quá trình bền bỉ, lâu dài.

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng: “Anh Xuân Thiều nói rất hình tượng thế này, vứt rác chỉ 1 giây, nhưng có ý thức cúi xuống nhặt rác phải mất hàng trăm năm hình thành thói quen”.

Đến từ khu vực chịu ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (Cần Thơ) trăn trở về những hậu quả nặng nề, thương tâm mà thiên tai gây ra trong thời gian qua. Ông đề nghị Chính phủ chú trọng chỉ đạo, đầu tư mạnh mẽ hơn để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, bảo toàn thành quả phát triển kinh tế xã hội.

“Cần dành nguồn lực thỏa đáng để xây dựng sớm các kịch bản ứng phó, hành động sớm, tuyên truyền cho người dân nhận thức sớm, từ đó hạn chế thấp nhất thiệt hại mà thiên tai gây ra”, ĐB Phong phát biểu.

YÊN 26.jpeg
ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên). Ảnh: QUANG PHÚC

Ghi nhận những thành tựu đạt được trong năm 2024, song ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) lưu ý, dự báo năm 2025 vẫn nhiều khó khăn. Tình hình thế giới diễn biến khó lường, cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, cần tăng cường năng lực dự báo. ĐB cũng lo lắng về tình hình đầu tư công triển khai chậm, gây nên lãng phí, bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Theo ĐB, giai đoạn trước phải tính toán từng cân sắt thép, xi măng để xây dựng công trình, nay có tiền mà lại không tiêu được, đây là nghịch lý khó chấp nhận. Nữ ĐB cũng chỉ rõ rằng sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp chưa tốt, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn rất cao, cao hơn năm trước 2023, cần phân tích rõ lý do để có giải pháp “điều trị” hiệu quả.

ĐB Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề cập đến vấn đề giao thông ở ĐBSCL. “Các tỉnh thành ĐBSCL rất "khát" cao tốc để thúc đẩy phát triển, nhưng bài toán về vật liệu san lấp vẫn rất nan giải. Không chỉ các dự án trọng điểm quốc gia, mà dự án của địa phương cũng vướng mắc như thế”, ông Nghĩa phát biểu. ĐB đề nghị Bộ GTVT và các bộ ngành khác như TN-MT… vào cuộc tháo gỡ cho địa phương, đáp ứng kỳ vọng của cử tri.

Cũng trong phiên thảo luận tổ đại biểu Quốc hội sáng 26-10, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, kiểm tra công tác đào tạo, cấp bằng TS, phong chức danh khoa học PGS, GS để đảm bảo chất lượng, thực chất, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

tran-quoc-tuan-8865.jpg
ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh)

Nhắc đến trường hợp Thượng tọa Vương Tấn Việt sử dụng bằng giả chỉ bị phanh phui trên các trang mạng xã hội, chứ không phải do chính cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngành giáo dục xác minh, ĐB cho rằng cho thấy việc quản lý, đào tạo, cấp bằng đại học, TS của một số cơ sở giáo dục đại học cần phải được quan tâm nhiều hơn.

“Cử tri cho rằng ngoài trường hợp này, còn có bao nhiêu trường hợp tương tự nữa đang tồn tại; những TS “dỏm” ấy đang ở đâu, đã và đang làm gì? Có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước hay sự phát triển của cộng đồng xã hội hay không?”, ĐB Trần Quốc Tuấn trăn trở.

Tin cùng chuyên mục