Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Đáng chú ý, Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với vi phạm quy định chung về phòng bệnh động vật. Trong đó, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời cho UBND cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất hoặc nhân viên thú y cấp xã khi phát hiện và biết động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm.
Phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với một trong các hành vi: vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường; buôn bán con giống mắc bệnh truyền nhiễm.
Hành vi sử dụng thuốc thú y trong danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam để phòng bệnh cho động vật sẽ bị phạt từ 8-10 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt với hành vi vi phạm quy định chung về chống dịch bệnh động vật. Cụ thể, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
Phạt tiền từ 3-4 triệu đồng đối với một trong các hành vi: khai báo không đúng số lượng, khối lượng động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật nhiễm bệnh phải tiêu hủy với mục đích trục lợi; khai báo không đúng số lượng, khối lượng vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch bệnh động vật với mục đích trục lợi; cung cấp thông tin không chính xác về dịch bệnh động vật cho UBND cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc nhân viên thú y cấp xã.
Vận chuyển động vật mẫn cảm với dịch bệnh đã công bố và sản phẩm của chúng qua vùng có dịch bệnh động vật mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền nơi có dịch sẽ bị phạt từ 5-6 triệu đồng.
Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với một trong các hành vi: tiêu hủy không đúng quy định hoặc không tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc diện phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật; không chấp hành biện pháp xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, động vật có dấu hiệu mắc bệnh, sản phẩm của động vật mang mầm bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Hành vi vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang được công bố ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.