Trao đổi với PV Báo SGGP, một số chuyên gia cho rằng nên có nhiều giải pháp đồng bộ để đạt được các mục tiêu này.
PHÓNG VIÊN: Chúng ta có thể làm gì để đạt mục tiêu giàu có và thịnh vượng, tăng trưởng nhanh và bền vững?
TS VŨ THÀNH TỰ ANH, Đại học Fulbright Việt Nam:

Trong môi trường thế giới đang biến động một cách nhanh chóng, để tăng trưởng cao chúng ta phải có một lời giải khác với lời giải truyền thống.
Đó là phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), đưa KTTN trong nước vào vị trí trung tâm, vị trí xứng đáng, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam. Đây chính là cách chúng ta đang làm.
Vấn đề thứ hai cũng rất quan trọng là tăng năng suất. Khoa học - công nghệ, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), là yếu tố quan trọng, trọng yếu giúp tăng trưởng năng suất. Phát triển công nghệ làm sao để công nghệ tương thích và hỗ trợ tăng năng suất; mở ra tương lai để trở thành nền kinh tế có tính đổi mới sáng tạo. Chỉ khi nào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ chúng ta sẽ đạt tăng trưởng cao.
TS ĐẶNG ĐỨC ANH, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược:

Tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ tập trung toàn lực sửa đổi các văn bản pháp luật tác động đến tăng trưởng, kể cả phía cung và phía cầu, thực sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho KTTN. Tôi cũng mong Chính phủ tập trung toàn lực cho việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật, thực hiện các chủ trương lớn.
Trong giai đoạn trước đây, thể chế không đi vào cuộc sống vì quá trình văn bản hướng dẫn quá chậm. Thời gian qua, nếu chỉ giao một đơn vị cấp bộ để thực thi, rất khó triển khai.
Tiếp đó là thúc đẩy chuyển đổi số và kết nối dữ liệu để tạo bộ máy kiến tạo sự phát triển. Khi đã tinh gọn bộ máy mà không đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối dữ liệu, với cách thức quản lý hiện nay sẽ tạo ra một áp lực khổng lồ lên bộ máy, có thể trở thành rào cản cho phát triển thời gian tới. Đồng thời phân cấp, phân quyền triệt để, tạo điều kiện để các địa phương được quyết và được làm.
Nếu chúng ta tập trung cao độ vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong khi những điều kiện khác chưa kịp thay đổi, việc sử dụng các công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng sẽ phải lưu ý những rủi ro gì?
PGS-TS PHẠM THẾ ANH, Đại học Kinh tế quốc dân:

Tăng trưởng GDP của chúng ta những năm qua dựa vào thương mại, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài (FDI), tiêu dùng trong nước, đầu tư tư nhân, đầu tư công… Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, xuất khẩu và thu hút FDI chịu ảnh hưởng đáng kể.
Trong nước, mức tiêu dùng của người dân có hồi phục, sức mua có tăng lên nhưng ở mức tăng thấp. Sự bất cập của thuế thu nhập cá nhân đang ảnh hưởng đến thị trường nhà ở và sức mua của người dân. Người dân phải dành chi phí quá lớn cho nhà ở, làm hạn chế động lực tiêu dùng. Đây là những nút thắt mà chúng ta nên tháo gỡ nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng đến từ động lực tiêu dùng trong nước.
Đầu tư tư nhân cũng tương tự. Tốc độ đã giảm đi trong mấy năm qua. Môi trường đầu tư không phải là quyết định trong 1-2 năm, phải dựa trên định hướng chính sách, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Chính sách ổn định, thông suốt năm này qua năm khác mới thu hút được đầu tư tư nhân.
Tiếp đó, chúng ta phải nỗ lực hơn với động lực đầu tư công. Tuy nhiên, đầu tư công cũng chỉ chiếm tỷ trọng hạn chế trong tổng cầu của nền kinh tế và cũng không thể thay thế hoàn toàn xuất khẩu, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI.
Nếu để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao 8% hay 2 con số mà lạm dụng đầu tư công, dễ dãi trong việc giải ngân và lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích tổng cầu trong nước sẽ đối diện rất nhiều rủi ro.
Nếu nới lỏng chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu tăng trưởng chúng ta sẽ gặp những rủi ro nào?
PGS-TS PHẠM THẾ ANH: Rủi ro đến từ tỷ giá hối đoái, lạm phát, nợ xấu, thiếu lành mạnh của hệ thống tài chính. Rủi ro cũng có thể đến từ thị trường tài sản. Khi đó, nguồn lực của khu vực tư nhân sẽ không hướng vào sản xuất.
Nếu lạm dụng chính sách tiền tệ hay giải ngân tài khóa thiếu hiệu quả, chúng ta sẽ khiến sản xuất - kinh doanh kém hấp dẫn, nguồn lực của nền kinh tế sẽ đổ vào thị trường tài sản nhằm ăn chênh lệch giá. Tức là khuyến khích hoạt động đầu cơ nhiều hơn sản xuất - kinh doanh.

Chính sách tiền tệ hiện có rất nhiều ràng buộc. Thứ nhất, ràng buộc từ môi trường bên ngoài với những chính sách bất ổn về thương mại, thuế quan… làm giá hàng hóa tăng; ngân hàng trung ương các nước lớn sẽ phải duy trì chính sách tiền tệ tương đối thận trọng nên lãi suất thế giới sẽ neo ở mức cao hơn. Trong khi dòng vốn quốc tế thường tìm tới nơi có lãi suất cao hơn.
Do vậy, nếu trong nước hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng sẽ gặp phải vấn đề sự trung chuyển dòng vốn quốc tế. Chênh lệch lãi suất giữa trong nước và quốc tế là vấn đề, ràng buộc của Việt Nam trong việc dùng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng trong nước.
Để thúc đẩy trong tăng trưởng dài hạn nên tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, thu hút FDI vào những lĩnh vực mới, cải thiện năng suất cho nền kinh tế.