Từ thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) phải mất gần 2 giờ đi theo đường rừng Vĩnh Sơn dài hun hút mới đến nhà của Tâm. Đó là căn nhà xập xệ ở cuối làng K3.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (52 tuổi, mẹ của Tâm) với thân hình quặt quẹo, ân cần mời chúng tôi vào nhà. Bà kể: “Vợ chồng tôi đến với nhau giữa vùng rừng núi Vĩnh Sơn này, có được 2 con và đều đang học ở TPHCM. Tuệ Tâm mới học năm đầu, còn chị lớn Vi Na đang học Trường Đại học Y Dược TPHCM năm cuối. Tôi bị tật nguyền, đau ốm triền miên phải nằm viện điều trị và đang có khối u dịch ở khớp gối nhưng chưa có tiền để mổ. Nhà chỉ còn một mình chồng làm lụng cật lực để nuôi các con ăn học”.
20 năm trước, ông Ngô Chính (57 tuổi, ba của Tâm, quê gốc ở Quảng Nam) vào vùng rừng núi Vĩnh Sơn lập nghiệp rồi lấy vợ, sinh con. Những ngày đầu, việc làm ăn có nhiều thuận lợi, ông Chính dựng được ngôi nhà bê tông vững chắc.
Đến năm 2008, việc làm ăn bắt đầu sa sút và gia sản dần khánh kiệt. Mấy năm qua, gia đình trồng rau sạch để kiếm tiền nhưng khí hậu ở đây khắc nghiệt làm 3 vụ rau thua lỗ, nợ nần càng chồng chất. Gia đình nghèo nhưng 2 con ham học, nên ông Chính và bà Thủy cố gắng làm lụng, tích cóp, vay mượn để lo cho các con theo học đại học ở TPHCM.
Bà Thủy kể: “Nhà nghèo nên mỗi khi được nghỉ học, Tâm và Na phải vào rẫy giữa trưa nắng để phụ giúp ba mẹ. Có những lúc đói đến muốn ngất xỉu giữa rẫy. Tối đến, Tâm vẫn thường ôm cánh tay tật nguyền của mẹ hôn, rồi nói, lớn lên con sẽ cố gắng làm việc, kiếm tiền để làm lại nhà cho ba mẹ, không phải ở nhà rách nát như thế này!”.
Ở vùng rừng núi Vĩnh Sơn, cái chữ như là một thứ xa xỉ, ít con em nào mơ học tới đại học. Đa số các em đều học hết lớp 9 thì bỏ ngang để vào rẫy hoặc bỏ xứ đi làm thuê.
Em nào cố gắng thì phải xuống thị trấn xin trọ, học tiếp lên cao. Ngày Tâm xuống thị trấn Vĩnh Thạnh trọ học, bà Thủy cũng đi theo con để nấu ăn, chăm sóc con. Nhưng được vài hôm, bệnh tình tái phát phải nhập viện.
Suốt 3 tháng, con cứ học xong lại phải lên viện chăm mẹ. Cũng may còn được gia đình bên ngoại giúp đỡ, đùm bọc, chứ không thì chắc Tâm và Na chẳng học lên được đại học như bây giờ.
Ngồi giở cuốn sổ nợ của ngân hàng từ năm 2007, bà Thủy lo lắng: “Mới hôm rồi, cháu Tâm gọi điện về xin tiền đóng học phí, trong khi trong nhà không còn đồng nào. May là gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên ngân hàng cho vay 50 triệu đồng để nộp học phí cho con. Các chú ở ngân hàng bảo, nợ của gia đình tôi đã trên 150 triệu đồng rồi, không thể vay thêm được nữa”.
Từ ngày Tâm đậu đại học, ông Chính càng phải làm việc cật lực hơn trong rẫy để kiếm tiền gửi hàng tháng cho các con. Bà Thủy thì mua lại hàng của người dưới thị trấn mang lên bán lại cho dân làng để kiếm lời.
Ngày mới nhập học Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tâm nhận dạy kèm, làm thêm, tích cóp tháng đầu tiên được 400.000 đồng. Thấy mẹ ở nhà đau bệnh, Tâm âm thầm mua một hộp sữa bột đang giảm giá, gửi về cho mẹ.
Qua điện thoại, Tâm nói: “Mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe, con sẽ tiết kiệm để học tập, sau này có việc làm và thu nhập ổn định để trả nợ và chăm sóc ba mẹ lúc tuổi già”. Bà Thủy cầm hộp sữa con mua, mà cứ khóc miết không thôi.