Vượt qua thách thức từ dịch nCoV, duy trì tăng trưởng - Bài 1: Lập kịch bản duy trì tăng trưởng

LTS: Ngày 1-2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg công bố dịch nCoV gây ra tại Việt Nam. Ba ngày sau đó, tại cuộc họp của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục đưa ra những chỉ đạo quyết liệt về việc nỗ lực giữ vững mục tiêu tăng trưởng, ứng phó thành công trong bất kỳ kịch bản nào của dịch bệnh. 

Vậy, đâu là những giải pháp để đảm bảo hoạt động bình thường của nền kinh tế trong bối cảnh dịch nCoV hiện nay? Báo SGGP ghi nhận những biện pháp triển khai của các bộ, ngành và ý kiến của các chuyên gia kinh tế về vấn đề này.

Dịch nCoV là một cơn sóng dữ tác động tiêu cực không nhỏ đến kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, chắc chắn không phải là ngoại lệ.
Vượt qua thách thức từ dịch nCoV, duy trì tăng trưởng - Bài 1: Lập kịch bản duy trì tăng trưởng ảnh 1 Dệt xuất khẩu tại một doanh nghiệp trong nước. Ảnh: CAO THĂNG
Thách thức lớn
Trước diễn biến cao trào của dịch nCoV, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, còn sớm để đưa ra dự đoán chính xác về tác động đối với nền kinh tế thế giới, song chắc chắn tình hình sẽ bất lợi trong nửa đầu năm 2020. Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) thì dự đoán, thiệt hại chủ yếu xảy ra trong quý 1, ảnh hưởng đến 2% trong tăng trưởng toàn cầu; trong đó 1% từ nền kinh tế Trung Quốc. Kinh tế nhiều nước sẽ bị ảnh hưởng do Trung Quốc giảm nhu cầu tiêu thụ và mức chi của du khách Trung Quốc ở nhiều nơi cũng giảm, đặc biệt là tại Hồng Công và Thái Lan. Tựu trung, dịch nCoV sẽ làm GDP toàn cầu giảm mức tăng trưởng ít nhất 0,1% - 0,2% trong năm 2020, nếu mức độ lây lan được khống chế hiệu quả đáng kể trong tháng 2 và tháng 3. Nếu tình hình nghiêm trọng hơn, cụ thể là dịch bệnh tiếp tục “leo thang” sau quý 1, dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 0,3% so với mức dự kiến.
Vượt qua thách thức từ dịch nCoV, duy trì tăng trưởng - Bài 1: Lập kịch bản duy trì tăng trưởng ảnh 2 Hoạt động mua bán tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đối với Việt Nam, hãng tin Bloomberg lo ngại về triển vọng của ngành cao su, đặc biệt là ngành sản xuất xe hơi và nhu cầu lốp xe, khi các nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc tuyên bố rằng ngừng sản xuất một thời gian. Tờ Asia Times nhận định, việc vắng bóng du khách Trung Quốc có thể khiến ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể. Nhận định này có cơ sở, bởi năm 2019, thu nhập từ du lịch chiếm khoảng 1/5 GDP của Việt Nam và khách du lịch Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng số du khách đến Việt Nam. Tờ TodayOnline thì ái ngại cho các hãng hàng không, nhất là Vietnam Airlines.
Về phía Việt Nam, Bộ KH-ĐT nhận định, mức độ ảnh hưởng của dịch nCoV là “rất nghiêm trọng”. Nếu dịch được kiểm soát trong quý 1 thì mức độ tăng trưởng cả năm của nước ta ước đạt 6,27%. Nếu dịch kéo dài và kiểm soát trong quý 2, tăng trưởng sẽ chỉ còn 6,09%. Cả 2 kịch bản này đều thấp xa so với mục tiêu 6,8% được Chính phủ và Quốc hội đề ra cho năm nay.
Linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Trước tình hình đó, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV; đồng thời kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm… Tham mưu cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất 2 gói giải pháp để khắc phục tác động của dịch nCoV đến tăng trưởng. Thứ nhất, trong bối cảnh dịch đang diễn ra thì hiện tại phải tập trung ưu tiên vào các giải pháp phòng, chống dịch, kiểm soát dịch. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, gói giải pháp thứ hai là khắc phục thiệt hại cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Căn cứ vào nguồn lực, bộ sẽ tính toán đề xuất đối tượng và mức độ hỗ trợ. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh đến việc khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và coi đây là một trong những giải pháp then chốt. Đặc biệt, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, việc thực hiện Luật Đầu tư công (sửa đổi), hoạt động đầu tư công đã tạo ra nhiều đổi mới về mặt thủ tục, quy định; nhờ đó tiến độ và hiệu quả giải ngân phần lớn phụ thuộc vào công tác chuẩn bị, triển khai của các bộ, ngành, địa phương được giao làm chủ đầu tư. Đồng thời, các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục đưa các dự án chuẩn bị cấp phép, các dự án mới sớm đi vào hoạt động, đóng góp tích cực và thúc đẩy tăng trưởng.Biến thách thức thành thời cơ Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận, biến cố lớn này cũng là cơ hội để chúng ta tiếp tục tái cơ cấu, biến thách thức thành thời cơ, bàn giải pháp mới với một tinh thần khẩn trương, nhưng không hoang mang. Theo Bộ NN-PTNT, mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đề ra cho năm 2020 là 42 tỷ USD, song hiện tất cả các nội dung thương thảo về xuất nhập khẩu, giao thương giữa hai bên phải tạm dừng lại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Không có dịch nCoV thì cũng có thể có dịch bệnh khác, bởi trong điều kiện biến đổi khí hậu cái gì cũng có thể xảy ra. Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để ứng phó chủ động”. Người đứng đầu ngành NN-PTNT khuyến nghị bà con nông dân và các doanh nghiệp tìm ra nhiều giải pháp, như tăng cường trữ hàng trong kho lạnh, chế biến… Bộ sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, ngành công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản; nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2019 xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đạt 11,13 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực. Trước mắt, Bộ NN-PTNT đã thống nhất với Bộ Công thương tập trung tiêu thụ tại nội địa, chế biến sâu sản phẩm nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Về lâu dài, Bộ NN-PTNT lên kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương phù hợp với thị trường. Hiện tại, mới chỉ có 9 loại nông sản đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Với ngành công thương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng cho biết, hàng loạt công việc đang được bộ này gấp rút triển khai nhằm tìm kiếm thị trường, khách hàng thay thế cho thị trường Trung Quốc. Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ của bộ đang tích cực phối hợp cùng các thương vụ vận động các doanh nghiệp tại địa bàn về Việt Nam thu mua nông thủy sản, kết nối với doanh nghiệp trong nước. Để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đến nay có 6 hệ thống siêu thị lớn đồng loạt triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản… Bộ VH-TT-DL được đề nghị chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương, nhất là các địa phương là trung tâm du lịch để rà soát, đánh giá mức độ suy giảm kinh doanh của du lịch, các dịch vụ liên quan và mức độ thiệt hại, nhất là đối với thu nhập, việc làm của người lao động; có giải pháp hoặc kiến nghị giải pháp hỗ trợ đối với ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ liên quan khác trên địa bàn…

Trước việc chỉ số chứng khoán giảm điểm sau tết, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, bộ đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tích cực tuyên truyền để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi diễn biến của thị trường chứng khoán quốc tế, trong nước hàng ngày; yêu cầu hai sở giao dịch chứng khoán cũng như Trung tâm Lưu ký Chứng khoán tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hàng ngày và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, tung tin đồn; yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện báo cáo hàng ngày, đặc biệt là tình hình giao dịch quỹ, ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát; đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư…

Tin cùng chuyên mục