Hôm nay, người dân TPHCM cùng cả nước hân hoan kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 _ 30-4-2023) - mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trong chiến công chung của toàn dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã chiến đấu kiên cường, đi trước về sau trong hai cuộc kháng chiến, và trong trận đánh cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã hợp đồng chặt chẽ với quân chủ lực, kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng và tiếp quản thành phố gần như nguyên vẹn.
Từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân TPHCM đã tiếp nối mạch nguồn cách mạng, tiên phong thử nghiệm những mô hình mới, đề xuất cơ chế, chính sách kinh tế mới, phát động những phong trào, những cuộc vận động lớn, tạo thế đi lên trong điều kiện khó khăn do bị bao vây cấm vận, chiến tranh biên giới và cơ chế quan liêu bao cấp không còn phù hợp. Thực tiễn sinh động của TPHCM giúp hình thành đường lối đổi mới của Đảng và các chính sách pháp luật, tạo nên bước phát triển mới, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, TPHCM có quy mô kinh tế lớn, năng suất lao động cao và đóng góp cho ngân sách quốc gia luôn ở mức cao. Đây là nơi có nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo trên các lĩnh vực, nhất là huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Để việc quản lý phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị đặc biệt, TPHCM đã chủ động đề xuất xây dựng mô hình chính quyền đô thị.
Trong cuộc chiến phòng chống Covid-19, TPHCM là địa phương chịu thử thách nặng nề nhất, nhưng Đảng bộ và nhân dân nơi tuyến đầu chống dịch đã tập trung mọi nỗ lực, cùng sự hỗ trợ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, các tổ chức, cá nhân trong ngoài nước, đã đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế và nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Là nơi có độ mở lớn đối với kinh tế toàn cầu nên trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, TPHCM bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với các nguyên nhân bên trong về những điểm nghẽn chậm được tháo gỡ như cơ sở hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông), về chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng và trong khi các vụ việc tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm thì những vấn đề mới phát sinh khiến các chỉ số tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của TPHCM gần đây bị sụt giảm.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, TPHCM đang đứng trước những khó khăn như thuyền lớn trước sóng to, cần có bản lĩnh và tâm thế vững vàng để vượt qua thử thách. Với tâm thế của một chiến binh, TPHCM sẽ chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, vững bước đi lên.
Nhiệm vụ, giải pháp trước mắt là tập trung phòng chống, không để đại dịch quay lại; chủ động đề xuất nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; cải cách hành chính, chuyển đổi số; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung và đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát giúp tháo gỡ nhanh điểm nghẽn. Gắn với những mục tiêu của trung hạn, dài hạn, và thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực tiễn và yêu cầu của giai đoạn phát triển mới đang đòi hỏi TPHCM có bước chuyển mới nhanh hơn, mạnh hơn, xứng đáng với truyền thống anh hùng và sứ mệnh vinh quang của thành phố được mang tên Bác kính yêu.
Tinh thần 30-4 đang thúc giục chúng ta. Trách nhiệm lớn của đầu tàu kinh tế đang đòi hỏi chúng ta hợp lực cùng nhau, kiến tạo nên bước tiến mạnh mẽ trong hành trình vươn tới hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chúng ta có niềm tin vào Sài Gòn - TPHCM - nơi hội tụ tinh hoa, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có khả năng huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất định sẽ vượt qua thách thức, bứt phá đi lên.