Vượt qua

Hãng đánh giá tín dụng S&P Global Ratings của Mỹ cho biết, ngân hàng các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế khu vực trong năm 2022.

Nguyên nhân là giá dầu cao góp phần vào chi tiêu của chính phủ. Bên cạnh đó, các hoạt động phi dầu mỏ trở lại bình thường khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các ngân hàng trong khu vực.

Nhìn chung, GCC (gồm 6 thành viên là Bahrain, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Saudi Arabia và Oman) đã có bước chuyển mình từ hơn một thập niên qua và chứng tỏ khả năng ứng phó tốt với đại dịch. Ví dụ, Oman từ một nước kém phát triển trở thành một nước phát triển nhanh, đi đầu trong công tác đối ngoại, thúc đẩy hòa bình, hòa hợp và hữu nghị giữa các nước. Khu vực này đã phát triển từ một vùng lãnh thổ tương đối ít người biết đến trở thành cửa ngõ giữa Đông và Tây, nơi tổ chức các sự kiện quốc tế nổi bật và là động lực thúc đẩy tiến bộ trong vô số lĩnh vực. Mặc dù giá dầu cao đóng góp vào mức tăng trưởng của GCC, các nước này không quên chú trọng vào năng lượng tái tạo nhằm giảm khí thải. Saudi Arabia gia tăng các khoản đầu tư vào nhà máy khí công nghiệp và hydro. UAE đầu tư vào năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2019-2020 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 187% so với giai đoạn 2016-2018. Hơn nữa, UAE còn chiếm 83% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào năng lượng xanh của GCC với 7,47 tỷ USD. 

Với các yếu tố trên, các nhà kinh tế lạc quan khi dự báo GCC sẽ là một trong những khu vực tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới vào năm 2022 với 5,2%. Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, GCC đang trên đường phục hồi trong trung hạn do xu hướng tăng giá gần đây của thị trường năng lượng đi kèm niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư gia tăng.

Tin cùng chuyên mục