Sinh ra tại vùng quê nghèo ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, bất hạnh đã bất ngờ ập đến với ông Ninh vào năm học lớp 7, trong một buổi đi học, ông Ninh bị tai nạn ở vùng đầu do bom đạn của chiến tranh.
Từ đó, đôi mắt ông bị hư vĩnh viễn. Sau biến cố, bản thân vô cùng đau khổ, tuyệt vọng, nhưng ông Ninh quyết không đầu hàng số phận, nỗ lực cố gắng gấp bội để làm việc nuôi sống bản thân và gia đình.
Cảm nhận được ý chí, nghị lực của chàng thanh niên nghèo không may bị khiếm khuyết ở đôi mắt, năm 1979, cô Nguyễn Thị Cúc ở cùng quê đã đồng ý làm bạn trăm năm.
Hàng ngày, ông Ninh miệt mài chăm sóc vườn thanh long để tạo dựng cơ nghiệp cho gia đình
“Đồng vợ đồng chồng” nên bất kỳ việc gì khó khăn, hai vợ chồng cũng vượt qua. Năm 1990, cả gia đình cùng dắt díu đến vùng đất La Gi để sinh sống và lập nghiệp cho đến tận bây giờ.
Ban đầu, nơi đất khách, họ cùng đi khai hoang, làm ruộng, làm rẫy, trồng lúa, nuôi gà… Sau đó, quyết định chuyển sang trồng thanh long để phát triển kinh tế gia đình.
Ngày nay, gia đình ông đã có cơ ngơi khang trang với căn nhà mặt tiền ở thôn Hiệp Hòa, xã Tân Hải, cùng hơn 5 mẫu đất ở thôn Hiệp Thuận.
Khi cuộc sống đã tương đối đủ đầy, ông Ninh quyết tâm làm những việc giúp ích cho xã hội, cho những người không may mắn như mình. Ông mở phòng massage tại căn nhà đang ở, tạo điều kiện cho những người khiếm thị trong thị xã có công ăn việc làm.
Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Người mù thị xã La Gi, ông Ninh luôn tất bật với nhiều công việc vì cộng đồng như: tham gia các khóa học vi tính, massage… để dạy lại cho những người khiếm thị, giúp họ vượt qua mặc cảm, cố gắng vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.