Bất ngờ không phải chỉ bởi một người viết nhỏ tuổi bứt phá để đoạt giải thưởng lớn mà còn bởi những chia sẻ rất thật của cậu bé, rằng: “Con không nghĩ truyện của con được chọn vì không có bài học đạo đức”. Sự chân thành của cậu bé khiến những người đang cầm bút viết cho độc giả nhỏ tuổi phải tự vấn mình rằng, liệu văn học thiếu nhi có đang sa vào lối mòn khuôn mẫu.
Phải chăng bởi luôn mang suy nghĩ về việc trẻ em là phải được dạy dỗ, trẻ em là cần phải bảo ban, uốn nắn… nên trong nhiều năm qua, truyện được cho là viết cho trẻ em cũng không ít nhưng lại chưa hấp dẫn được con trẻ. Xu hướng “đạo đức hóa” bằng văn chương đôi khi còn hơi khô cứng, hơi nghị luận tạo thành một “lề thói” trong sáng tác dành cho trẻ em. Mà điều này đã làm giảm sức hấp dẫn của dòng văn học thiếu nhi.
Trẻ em là có quyền ngốc nghếch, là đi dép trái chân, là ăn vụng, là những lần lén lút giấu nhẹm bài kiểm tra bị điểm kém… vậy hà cớ gì mà cứ bắt tả cô giáo em tóc dài, mặt trái xoan trong khi tóc xoăn xù mì đang là mốt; hay nhất định vật nuôi trong nhà phải là chó, là mèo trong khi nhiều chung cư lại cấm nuôi động vật. Cách tiếp cận khuôn mẫu, không thực tế ấy mỗi ngày vô hình trung đã cản trở sức sáng tạo, bào mòn trí tưởng tượng của con trẻ.
Nhà văn Tô Hoài, một trong những người tiên phong trong dòng văn học dành cho bạn đọc nhỏ tuổi, đã từng chia sẻ rằng, không thể giả giọng trẻ con để kể chuyện trẻ con mà cần hiểu tư duy của trẻ, kể với chúng theo cách nghĩ của chúng, lý giải sự vật theo lôgíc của trẻ. Đừng vội bắt trẻ em tập làm người lớn từ thuở còn bé thơ khi đưa ra những bài học luân lý cứng nhắc mà cứ để cho chúng ngã, để chúng sai… Dần dần lũ trẻ sẽ lớn lên với những bài học của đời sống. Có lẽ chính nhờ việc ông không nhìn trẻ con là sự thu nhỏ của người lớn, trải nghiệm cùng chúng qua những cảm xúc, hành động, suy nghĩ vừa lôgíc vừa phi lôgíc đã khiến cho truyện Dế mèn phiêu lưu ký sau hơn nửa thế kỷ vẫn là tác phẩm thiếu nhi nổi bật.
Trở lại với giải thưởng của Cao Khải An, bản thảo của cậu bé sáng tác theo kiểu hiện thực, tức là bắt rễ vào trong đời sống của chính mình để viết là một xu hướng đáng khuyến khích trong bối cảnh mà nhiều tác giả thiếu nhi viết văn theo xu hướng giả tưởng. Việc sẵn sàng “đỡ đầu” những tác phẩm dám nghĩ theo cách mới, viết theo góc nhìn tự do nhưng ăm ắp hiện thực cuộc sống của con trẻ của giải thưởng Dế mèn được kỳ vọng hé mở những cánh cửa mới cho dòng văn học thiếu nhi.