Điều đáng nói là trên thực tế, có rất nhiều vụ ly hôn lại bắt nguồn từ các mâu thuẫn mà sau đó, chính người trong cuộc cũng thừa nhận lẽ ra họ vẫn có thể giải quyết tốt đẹp hơn.
Chuyện không của riêng ai
Tâm sự trên một diễn đàn về gia đình, chị H.T.N kể, chị lấy chồng được 6 năm, có 2 con sinh đôi 1 trai 1 gái. Ai trong cuộc mới hiểu, chăm sóc cùng một lúc 2 đứa con nhỏ vất vả thế nào. Thời gian vất vả cũng tạm qua, hai đứa giờ đã 4 tuổi. Thế nhưng, dạo gần đây cuộc sống hôn nhân ngày càng chán nản, cả ngày hai vợ chồng không nói chuyện với nhau, đến giờ cơm tối thì anh chồng vác vợt cầu lông đi đến hơn 20 giờ mới về. Một mình chị cặm cụi nấu cơm, cho con ăn, ăn cơm một mình, rồi lại một mình ôm đứa con ngủ… Chồng về ăn xong, quẳng bát đũa ra đấy, ngồi ôm máy tính cho đến nửa đêm. Sáng ra, vợ cho con ăn, chở đi học, còn ông chồng vẫn chưa dậy.
Cuộc sống vợ chồng tẻ nhạt như cơm nguội, việc ai người nấy làm, chẳng tâm sự, trao đổi gì với nhau. Đôi khi cũng muốn than thở một chút với anh về khó khăn trong công việc, nuôi dạy con... nhưng được 1 lần, anh thản nhiên bảo là chị được voi đòi tiên, thế là từ đó chị chẳng tâm sự gì nữa.
Chị tâm sự, chỉ mong gia đình có những bữa cơm vui vẻ, cùng chồng chăm sóc con; thỉnh thoảng chồng hỏi han một tiếng để biết mình đang nghĩ gì; thỉnh thoảng được chồng ôm vào lòng một chút thôi đơn giản vậy mà đối với mình sao khó thế! Không dưới vài lần, chị nghĩ đến việc chia tay nhưng nhìn lại, thật sự anh cũng không có lỗi gì lớn, không ngoại tình, nhậu nhẹt, cũng chẳng vũ phu.
Theo các chuyên gia tư vấn gia đình, vấn đề của chị H.T.N thực ra không phải chuyện mới. Thậm chí, người ta đã thống kê những nguyên nhân chính dẫn đến các mâu thuẫn, chán nản trong cuộc sống gia đình. Đầu tiên là vấn đề tài chính, tình hình sẽ rất tồi tệ khi kinh tế khó khăn. Cả trong khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc sống hôn nhân thì việc giải quyết các chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày, kế hoạch cho chuyện nhà cửa, xe cộ… luôn khiến mối quan hệ vợ chồng căng thẳng; tiếp theo là những vấn đề vụn vặt của cuộc sống, thậm chí khi căng thẳng lên cao, vợ chồng có thể mặt nặng nhẹ với nhau đôi khi chỉ vì chuyện vụn vặt như treo cái khăn mặt ở đâu cho đúng.
Một nguyên nhân nữa là cân bằng mối quan hệ nội ngoại, quan hệ với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ, chuyện gặp mặt gia đình… mà trong đó sẽ có rất nhiều rắc rối mà bạn không thể lường trước được. Đến khi gia đình có thêm thành viên, hạnh phúc bao nhiêu khi đón đứa con đầu lòng thì cuộc sống của vợ chồng bạn cũng khó khăn bấy nhiêu.
Ví dụ như con quấy khóc dẫn tới mất ngủ cũng khiến nhiều người cảm thấy cuộc sống trở nên ngột ngạt. Khi chúng lớn lên, mọi chuyện cũng không nhẹ đi, ngay cả việc đưa ra các quyết định cho con cái cũng có thể phát sinh mâu thuẫn nhiều hơn bạn tưởng. Một nguyên nhân ít ai để ý nhưng là thực tế rất phổ biến là việc cảm xúc bị mài mòn.
Cũng giống như việc phát ngấy khi suốt ngày chỉ ăn một món, dù đó là món bạn vô cùng yêu thích, bạn cũng có thể trải qua giai đoạn như vậy với người bạn đời và hệ quả là có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như việc bỏ bê đời sống chăn gối, một trong những yếu tố tâm lý quan trọng trong hôn nhân. Nguyên nhân cuối là việc đối mặt với sự kiện lớn, có thể là mua nhà, sinh thêm con hay thậm chí là một tai họa tiêu cực như mắc bệnh… nó cũng dễ dàng đẩy đôi vợ chồng vào sự căng thẳng, áp lực.
Tìm lại hạnh phúc
Chán nản cuộc sống sau hôn nhân là điều không ai mong muốn nhưng rất nhiều người gặp phải, vậy có phương pháp nào để cân bằng lại cuộc sống gia đình. Trường hợp chị H.T.N, một bạn đọc đã chia sẻ lại kinh nghiệm của chị. Ban đầu, vợ chồng chị cũng giống cảnh của nhà chị N, thậm chí vợ chồng còn tránh mặt nhau, không muốn đụng chạm. Chỉ cần nói với nhau một câu cũng đủ gây ra một cuộc khẩu chiến. Lúc đó, với chị, cảm giác như chỉ muốn biến mất khỏi cuộc đời nhau một cách sạch sẽ nhất. Và rồi ngày nọ, anh lại chính là người viết lá đơn ly hôn, chị thản nhiên ký vào. Con cái thống nhất chia đôi, mỗi người nuôi 1 đứa. Thời gian ly thân chưa tìm được chỗ ở riêng thì vẫn ở chung nhưng mỗi người 1 phòng.
Chị dặn anh đừng bỏ facebook, siêng đưa hình con lên để chị đỡ nhớ, anh dặn chị có khó khăn gì phải báo để anh lo. Họ như hai người bạn, ít nhất là khi đó anh chị nghĩ vậy. Rồi đêm nọ, chị đưa 2 con về ngoại, bất ngờ 1 bé bị sốt cao, nôn trớ, một mình chị chật vật đưa con vào bệnh viện. Tay xách nách mang, chị ôm con, nước mắt lã chã. Con bị viêm phế quản, bác sĩ cho thuốc rồi về. Mò vào túi lấy điện thoại, hơn 20 cuộc gọi nhỡ và 5 tin nhắn của chồng mình. Đồng hồ đã gần 10 giờ đêm. Chị không kìm được nữa, khóc nức nở ở hành lang bệnh viện. Gọi lại cho chồng mới biết anh về đến nhà, thấy tủ quần áo trống không, chẳng thấy vợ con đâu, gọi điện thì mãi không được sợ quá, cứ nghĩ dại…
“Về đi, mai anh đi rút lại đơn”, đó là câu nói của anh trước khi ôm lấy chị, cái ôm khép lại cả một thời gian đầy sóng gió. Còn chị thì nhớ lại, lúc đó tự hỏi, hình như chúng ta đã sai ở đâu đấy. Hình như chúng ta đang làm khổ nhau, vì cái ích kỷ của bản thân.
Có những quãng thời gian chẳng cần người thứ 3 thì cuộc sống vợ chồng cũng trở nên bế tắc đến mức muốn tống khứ ra khỏi cuộc đời nhau bằng lá đơn ly hôn như vậy. Cuộc hôn nhân nào dù có tốt đẹp đến mấy cũng phải có đến trăm lần người trong cuộc muốn ly hôn, cũng phải đến vài chục lần muốn “giết chết” đối phương. Bởi vì chúng ta ai cũng có khuyết điểm và khi sống chung một nhà là đã lột trần nhau toàn diện từ thể xác đến tính cách, thậm chí đôi khi còn có cảm giác hối hận vì lấy nhau. Vượt qua được khoảng thời gian bộc lộ này sẽ giúp các cặp vợ chồng thấu hiểu nhau hơn và sẽ tìm được hạnh phúc.
Chính vì vậy, lời khuyên của những người đi trước, những người đã vượt qua tìm được hạnh phúc hoặc đã sai lầm, mất mát đều có điểm chung là hạnh phúc gia đình là điều vô giá mà vợ chồng, con cái đều phải gìn giữ vun đắp, khi gặp sóng to gió lớn trong cuộc đời hãy tìm hiểu nguyên nhân và cùng nhau tìm cách khắc phục để chèo lái con thuyền tình yêu đến với bến bờ hạnh phúc.