Bệnh nhân nhập viện vì rét tăng
Những ngày qua, rét đậm, rét hại cường độ mạnh ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sức khỏe người dân, nhất là các địa phương vùng cao. Thời tiết giá rét khiến số người bị ốm phải nhập viện gia tăng.
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến cấp cứu tăng đột biến, đa số là bệnh nhân nặng. Bác sĩ Nguyễn Danh Cường, Phó trưởng Khoa Cấp cứu và đột quỵ, cho biết, bình thường có khoảng 30 ca cấp cứu/ngày, nhưng những ngày rét đậm, số lượng ca cấp cứu tại bệnh viện tăng gần gấp đôi.
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, dù số người đến khám bệnh giảm nhưng số bệnh nhân đột quỵ tăng 20% trong những ngày qua. Bác sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết, các nguyên nhân khiến đột quỵ trong mùa đông gia tăng là: Thời tiết lạnh, nhiều người uống ít nước dẫn đến độ đặc của máu tăng, kéo theo nguy cơ tắc mạch máu não cao; mùa đông, cơ thể cũng ít vận động, dễ béo phì, đái tháo đường, cholesterol trong máu tăng...
Trong khi đó, tại Bệnh viện Phổi Trung ương, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh liên quan tới hô hấp cũng tăng mạnh trong đợt rét đậm, rét hại này. Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng Khoa Bệnh phổi mãn tính, cho biết, bình thường, mỗi tháng khoa tiếp nhận khoảng 170 lượt người điều trị nội trú nhưng hiện nay tăng hơn 220 lượt bệnh nhân.
Tại Hà Tĩnh, bác sĩ Hoàng Song Hào, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh), cho biết, trong những ngày ảnh hưởng rét đậm, rét hại, tại các khoa: Nhi, Nội tim mạch, Nội tổng hợp…, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng cao so với bình thường. Bệnh nhân lớn tuổi chủ yếu mắc các bệnh liên quan đến cao huyết áp, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, trẻ em mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp…
Không chỉ bệnh viện tuyến trung ương quá tải, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh ở vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Quảng Ninh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong khám chữa bệnh do số lượng người bệnh nhập viện vì giá rét tăng cao.
Hiện nay, ngoài việc tăng cường nhân lực, thiết bị y tế, thuốc men để bảo đảm công tác khám chữa bệnh, các bệnh viện cũng tăng cường biện pháp chống rét để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh và người nhà bệnh nhân, như: yêu cầu các khoa, phòng cấp đủ đệm, chăn ấm cho từng giường, tăng cường thiết bị sưởi trong phòng bệnh, buồng thủ thuật, nhất là những phòng có người già và trẻ em.
Chủ động ứng phó
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, những trường hợp trâu bò, gia súc, cây công nghiệp, cây ăn trái, cây lâm nghiệp, lúa và hoa màu bị thiệt hại do thiên tai như băng giá, bão lũ sẽ được Bộ NN-PTNT tổng hợp, trình Chính phủ xem xét hỗ trợ giống và kinh phí theo Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm sớm xử lý, phục hồi sản xuất, giúp bà con ổn định đời sống.
Tuy nhiên, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, còn người dân và các địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, sớm phục hồi sản xuất. Các địa phương cần sáng tạo các giải pháp để thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do rét đậm rét hại gây ra, bởi đây là loại hình thiên tai liên tục xảy ra, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Bàn về các mô hình sáng tạo để ứng phó rét đậm rét hại, giảm tác động xấu tới chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai, cho rằng, vào mùa đông, người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi rất cần các chất đốt để sưởi ấm cho gia súc. Do đó, các đoàn thiện nguyện ở miền xuôi nếu muốn giúp đỡ bà con vùng cao, nên hỗ trợ những thứ thiết thực hơn, như trấu để ủ, sưởi ấm trâu bò hoặc rơm rạ để làm thức ăn khô dự phòng, chi phí rẻ mà hữu ích.
Một số địa phương khác ở miền Bắc cũng có rất nhiều mô hình hay để ứng phó với giá rét. Tại huyện Mộc Châu (Sơn La), nơi đang có hơn 2.000 con bò sữa tại trang trại và 24.500 con bò sữa thông qua mô hình liên kết với 500 hộ dân để làm nguyên liệu cho Nhà máy Sữa Mộc Châu, nhiều năm nay đã chủ động tốt về nguồn thức ăn vào mùa đông, nên các đợt băng giá vào năm 2016 và 2020 này, hầu như không có trâu bò chết rét.
Công ty cổ phần Sữa Mộc Châu đang hỗ trợ bà con ở nông trường trồng các loại cỏ nhập khẩu có năng suất cao và chỉ đạo tích cực trồng bắp lai để ủ chua tại chỗ. Ngoài ra, công ty cũng hợp đồng thu mua 200.000 tấn cây bắp mỗi năm từ các địa phương lân cận để cung ứng cho các hộ nuôi bò sữa. Từ tháng 9 và tháng 10 hàng năm, bắp được cắt nhỏ để ủ chua, dự trữ làm thức ăn cho gia súc tới tháng 3 năm sau. Bằng cách chuyển sang chăn nuôi quy mô nông trại, gia trại nên nông dân có thể “sống tốt” trong điều kiện băng giá, rét đậm rét hại kéo dài nhiều ngày.
Đối với gia súc, gia cầm, ngoài việc che chắn kỹ chuồng trại và thường xuyên tiêm thuốc phòng dịch bệnh, ông Trần Thiện Chương, chủ trang trại gà ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) còn sử dụng tỏi, ép lấy nước trộn với thức ăn nhằm tăng đề kháng cho đàn gà hơn 6.000 con. Tại huyện miền núi A Lưới, khác với trước, đợt rét năm nay, đồng bào các dân tộc với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông đã dần từ bỏ thói quen nuôi trâu bò thả rông, thay vào đó là làm chuồng trại nuôi nhốt. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cũng giữ ấm cho trâu bò bằng cách mặc bao tải gai, bao tải dứa. Tại Hà Tĩnh, ông Lê Văn Danh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cẩm Xuyên, cho biết, trước tình hình rét đậm, rét hại, ngoài việc hỗ trợ về phân bón, giống cây trồng... địa phương đang nghiên cứu hỗ trợ nguồn thức ăn tinh công nghiệp cho người dân để phục vụ chăn nuôi. |