Khiếm thị bước chân vào đại học
Năm học 2021, hai anh em quê đất võ Bình Định là Đào Văn Thơm (SN 1996) và Đào Tấn Thảo (SN 2003) trở thành sinh viên Trường ĐH Văn Hiến. Thơm khiếm thị 100%, trúng tuyển ngành piano còn Thảo với thị lực 2/10 quyết theo đuổi ngành công nghệ thông tin vì niềm đam mê bất tận.
Gia đình Thơm, Thảo có 6 thành viên và rất đặc biệt. Trong nhà, chỉ còn cha và chị gái may mắn có đôi mắt sáng; mẹ Thơm thị lực 1/10; anh trai đã lập gia đình cũng chỉ nhìn thấy 2/10; Thảo thị lực 2/10 nên mọi thứ xung quanh rất mờ nhạt; riêng Thơm không thấy gì. Cuộc sống gia đình là những chuỗi ngày khó khăn nhưng đầy tình yêu thương. Mẹ ở nhà nội trợ, cha đi làm nuôi cả gia đình. Ký ức tuổi thơ của Thơm vẫn còn gìn giữ những hình ảnh đẹp trước năm 10 tuổi, khi mắt em còn sáng, vẫn cùng bạn đến trường. Mùa hè năm lớp 5, hai mắt Thơm bắt đầu mờ dần. Đoàn từ thiện mổ mắt về địa phương, Thơm đăng ký phẫu thuật nhưng không khả quan. Không còn nhìn thấy gì, cuộc sống quanh em chỉ toàn màu đen. Thơm tạm nghỉ học, ở nhà từ đó. Thời gian đầu Thơm làm quen dần cuộc sống của người khiếm thị. Càng về sau em càng thầy bế tắc, tính khí nóng nảy bất thường hơn.
Tháng 3-2011, người mợ về quê thấy hoàn cảnh Thơm đáng thương liền tìm trường cho em học ở TPHCM. Đến tháng 5-2011, một người thầy khiếm thị tên Nguyễn Quốc Phong, người sáng lập Mái ấm Thiên Ân (quận Tân Phú) đã nhận Thơm và tạo điều kiện cho em học kỹ năng sống độc lập, ôn tập lại kiến thức từ lớp 2 đến lớp 4. Thơm còn được thầy cô dạy chương trình lớp 5. Sau 3 năm, Thơm đã cùng các bạn thi chuyển cấp tại một trường tiểu học ở TPHCM. Đến năm 2014, thầy Phong tiếp tục nhận Thảo vào mái ấm và tạo điều kiện cho anh em theo học lớp 6 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Phú. Từ đó, Thơm, Thảo học chung trường chung lớp.
Thơm cho biết mình yêu âm nhạc từ nhỏ và rất thích chơi piano. Đến năm 18 tuổi, vì quá mê đàn, mẹ Thơm đã bán đi một con bò và mua cho em cây đàn 18 triệu đồng. “Nghèo thì nghèo, con muốn học hành là phải ráng cho con học”. Câu nói này của mẹ càng tạo động lực giúp Thơm, Thảo theo đuổi đam mê từ đó. Kết quả là suốt 3 năm học THPT, Thơm và Thảo đều đạt thành tích học sinh giỏi.
Nhìn lại hành trình đã qua, Thơm, Thảo luôn cảm thấy biết ơn gia đình và Mái ấm Thiên Ân, ngôi nhà thứ hai của mình, đã giúp hai anh em có thể tiếp tục việc học đến giờ. Mỗi ngày trong mái ấm, Thơm và Thảo dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, các sơ và những người anh, người chị thân thiết cùng lau dọn nhà cửa, học kỹ năng sống độc lập như: định hướng di chuyển, nấu ăn... Biết được hoàn cảnh đặc biệt và nghị lực vươn lên của anh em họ, Quỹ Trái tim Hùng Hậu của Trường ĐH Văn Hiến quyết định trao học bổng 100% học phí toàn khóa và 1 laptop cho Thơm, tặng học bổng 50% học phí toàn khóa và 1 laptop cho Thảo. Thơm và Thảo là 2 trong số rất nhiều sinh viên khiếm thị theo học tại Trường ĐH Văn Hiến được hỗ trợ học phí và dụng cụ học tập.
Cha mất vẫn quyết tâm học
Lâm Thị Thanh Hiền (SN 2003) là cô bé năng động, chăm chỉ, nghị lực và mạnh mẽ nhưng hoàn cảnh thật đáng thương. Từ nhỏ, Hiền đã chịu cảnh ba mẹ ly hôn, cô bé được ba chăm lo ăn học. Rồi ba đi bước nữa với người phụ nữ khác. Dưới sự chăm lo của ba và mẹ kế, nhiều năm qua, em liên tục đạt được thành tích tốt trong học tập và được giáo viên đánh giá cao, thầy cô yêu mến.
Hạnh phúc không bao lâu, gia đình Hiền gặp biến cố, cha mất vì Covid-19 giữa tháng 8, để lại em và mẹ kế với nhiều khó khăn. Nơi hai mẹ con sống chỉ là một căn nhà chừng 20m2 trong một con hẻm sâu trên đường Phạm Phú Thứ, quận 6, TPHCM. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi mất đi trụ cột chính về kinh tế của gia đình, tưởng chừng việc học em phải dừng lại. Nhưng nhờ ý chí tự lập và kiên cường, em đã vượt qua tất cả, quyết tìm con đường đến trường để chinh phục ước mơ học ngành quản trị kinh doanh. Thông qua Học bổng Covid-19 của Trường CĐ Quốc tế TPHCM, hành trình khám phá tri thức của em lại bắt đầu và bước sang trang mới. Em đăng ký hệ 9 + cao đẳng học ngành quản trị kinh doanh.
“Khi ba đột ngột mất, em cảm thấy suy sụp, càng buồn hơn khi em không thể gặp được lần cuối và không thể nghe được ba nói gì trước khi mất. Tuy nhiên, ba đã dạy phải có tính tự lập, có ý chí nên em nén đau thương để tiếp tục, phải sống tốt, sống luôn cả phần của ba nữa”, Hiền nói.
Th.S Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TPHCM, cho biết, khi biết hoàn cảnh của Hiền, nhà trường đã cấp học bổng toàn phần để em an tâm hoàn thành khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu em muốn đi xuất khẩu lao động hoặc học đại học, nhà trường cũng sẽ lo tiếp. Học bổng Covid-19 là chương trình hướng đến cộng đồng quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ, định hướng cũng như nuôi dưỡng tương lai của học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do dịch Covid-19.
Hiện nay, các trường ĐH, CĐ có nhiều hình thức hỗ trợ đặc biệt về tài chính cho sinh viên và tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài việc miễn, giảm học phí, nhiều trường còn đặc cách trao học bổng toàn khóa và hỗ trợ chi phí sinh hoạt suốt quá trình học của sinh viên. Các trường còn liên kết với doanh nghiệp, đối tác để trao tặng những phần quà, học bổng nhằm tiếp thêm động lực cho các bạn trên hành trình học tập của mình. |