Giá dê cao kỷ lục
Nhu cầu dê thương phẩm hiện ngày càng tăng cao, khiến thị trường thịt dê tại Bình Phước cũng nhộn nhịp hẳn lên. Theo anh Nguyễn Văn Thành (ngụ xã Tân Thành, huyện Bù Đốp), vài năm gần đây, giá dê hơi liên tục có nhiều biến động lên xuống thất thường và mức giá cao nhất cũng chỉ vào khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Việc giá dê hơi tăng cao kỷ lục như hiện tại - đạt mức 130.000 đồng/kg - đã trở thành nguồn thu đáng kể cho nhiều gia đình kết hợp trồng tiêu nuôi dê (dê được nuôi thả trong vườn tiêu và lấy nguồn phân dê bón cho tiêu).
Hộ anh Phạm Đình Dũng (ngụ xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh) bắt đầu nuôi dê từ vài năm nay. Ban đầu, anh chỉ nuôi vài con, sau đó phát triển đàn lên đến 100 con. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê, nhất là vào mùa khô, anh đã dành gần 1.000m2 đất để trồng cỏ và tận dụng thêm nguồn thức ăn từ rơm rạ. Trung bình mỗi năm, nguồn thu từ nuôi dê của gia đình anh đạt gần 200 triệu đồng và với giá hiện nay, anh đang xuất chuồng với số lượng lớn, dự tính thu về gần 400 triệu đồng.
Theo những người nuôi dê, trên địa bàn có hàng trăm điểm thu mua dê thịt để cung cấp ra thị trường Đồng Nai, TPHCM (ngoài các thương lái trong tỉnh tìm mua dê thương phẩm để cung cấp cho thị trường Bình Dương), thương lái từ các tỉnh phía Bắc, nhất là Hà Nội, cũng đến tận nhà người nuôi dê đặt mua, thậm chí mua cả dê đang trong thời kỳ sinh sản, đẩy giá dê tăng cao. Bên cạnh dê thịt thì giá dê giống cũng tăng cao so với những năm trước, bởi nhu cầu tăng đàn nuôi của chính những người dân tại đây.
Triển vọng từ mô hình nuôi dê sạch
Hợp tác xã (HTX) kinh doanh chăn nuôi dê xã Lộc Hiệp (huyện Lộc Ninh) có 45 thành viên với vốn điều lệ hơn 1,2 tỷ đồng, vừa chăn nuôi dê vừa kinh doanh thịt dê. Chị Nguyễn Thị Hường, một xã viên HTX, là người Ninh Bình vào Bình Phước lập nghiệp đã được hơn chục năm, khi mới vào làm vườn thuê cho nhà trồng tiêu, sau đó tích cóp mua đất trồng trọt và nuôi dê. Được sự hướng dẫn và giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã khi tham gia vào tổ hợp tác, đàn dê nhà chị Hường đã phát triển, hiện có 20 con cả dê trưởng thành và dê non mới đẻ.
Ấn tượng nhất là Tổ hợp tác nuôi dê xã Tân Thành - dự án khởi nghiệp đoạt giải nhất tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước tổ chức năm 2018. Mô hình triển khai vào tháng 6-2018, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động nữ. Tổ hợp tác có 40 thành viên với đầu tư ban đầu gần 7 tỷ đồng, quy mô 40 chuồng trại, nuôi 1.600 con dê cái bầu và 40 con dê đực. Chị Nông Thị Lệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác, cho biết sau nhiều lần chứng kiến cảnh “được mùa - mất giá, mất mùa - trắng tay” của người nông dân, chị đã quyết tâm thực hiện mô hình nuôi dê sạch.
Điểm khác biệt của mô hình nằm ở quy trình nuôi dê và cam kết đầu ra sản phẩm là dê có nguồn gốc rõ ràng, không dùng chất kích thích, cám tăng trọng. Nguồn thức ăn của dê được tận dụng từ cây cỏ tự nhiên nên thịt dê đạt chất lượng sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chị Lệ nhận xét: “Qua quá trình nghiên cứu thị trường, tôi thấy mô hình nuôi dê lấy thịt và dê giống đã được nuôi tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Thuận… Thế nhưng, các địa phương này nuôi dê tràn lan, chủ yếu được nuôi bằng cám công nghiệp nên lớn rất nhanh; do vậy thịt dê thường nhão, nhiều mỡ. Bên cạnh đó, tại một số quán ăn, nhà hàng sử dụng thịt dê đông lạnh, vận chuyển từ nơi khác đến, nguồn gốc không rõ ràng, nên chất lượng không đảm bảo. Vì vậy, mô hình chăn nuôi dê sạch sẽ là hướng đi tích cực, tạo thương hiệu cho vùng”.
Với việc thành lập các tổ hợp tác nuôi dê sạch, những người nuôi dê được đảm bảo đầu ra, giá cả, nên không lo bị tiểu thương ép giá. Đây chính là nền tảng để phát triển nghề chăn nuôi dê theo hướng bền vững. Mô hình này giúp người nông dân có điều kiện về vốn liếng mạnh dạn chuyển đổi vườn tiêu ở những nơi có năng suất thấp sang cây trồng khác; hoặc nuôi dê kết hợp chăm tiêu, hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng rớt giá lên đời sống của nông dân.