Vượt khó để “tuần hoàn”

Với kỳ vọng đạt “Net Zero” vào năm 2050, một số mô hình doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu hoạt động ở Việt Nam. Chỉ nói riêng trong lĩnh vực điện rác, cả nước hiện có khoảng 20 dự án.

Điển hình là Nhà máy Điện rác Nam Sơn thuộc Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng. Hiện nhà máy đang vận hành 3/5 lò đốt, xử lý khoảng 3.000 tấn rác/ngày và đã hòa điện lưới quốc gia với công suất 90MW.

Ở chiều ngược lại, để tạo ra điện năng, mỗi năm các nhà máy nhiệt điện trên cả nước tiêu thụ khoảng 30 triệu tấn than, thải ra khoảng 10 triệu tấn tro và xỉ than. Xử lý số tro xỉ này là cả một thách thức. Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung với công nghệ ép tĩnh từ nguồn nguyên liệu tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều (Quảng Ninh).

Nhà máy này đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, cung cấp cho thị trường gần 10 loại sản phẩm không nung các loại với sản lượng trung bình hơn 60 triệu viên gạch quy chuẩn/năm. Không chỉ biến tro xỉ thành nguồn lợi mà việc sản xuất gạch không nung từ nguyên liệu này còn giúp tiết kiệm hơn 200.000m3 đất sét và hàng chục ngàn tấn than.

Lợi ích của “tuần hoàn” rõ ràng như vậy nhưng cũng có nhiều dự án đang dang dở, ì ạch. Có tới 3 dự án điện rác ở Củ Chi (TPHCM), công suất mỗi nhà máy 1.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 50MW đã khởi công từ cuối năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa xây xong. Dự án điện rác ở Phù Ninh (Phú Thọ), công suất 500 tấn rác/ngày, công suất phát điện 25MW thi công được hơn 80% thì đình trệ.

Dự án điện rác ở Vĩnh Tân (Bình Thuận) công suất 600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 30MW, chậm khởi công do phối hợp với các sở, ngành, địa phương chưa tốt. Loại trừ những nguyên nhân chủ quan đến từ nhà đầu tư thì việc phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn gặp nhiều khó khăn khách quan về pháp lý, kết cấu hạ tầng…

Sau chuyến khảo sát thị trường Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Neuman cho rằng mục tiêu Net Zero vào năm 2050 là rất táo bạo, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, về phía các cơ quan nhà nước sớm thống nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật, đưa kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch, kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng; có cơ chế thu hút và sử dụng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn.

Chỉ khi có đủ cơ sở pháp lý, các doanh nghiệp mới có thể xây dựng phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh bền vững. Về phía người dân, cần nâng cao ý thức tiêu dùng vừa đủ, không lãng phí, tuân thủ đúng các quy định về phân loại rác thải để tiết kiệm tài nguyên, góp phần làm cho cuộc sống xanh và sạch hơn.

Tin cùng chuyên mục