Vượt khó để tăng trưởng

Số liệu do Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố ngày 29-9 cho thấy, GDP 9 tháng năm nay tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong suốt giai đoạn 2011-2023, mức tăng trưởng này chỉ cao hơn cùng kỳ các năm 2020 và 2021, là 2 năm chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Kết quả này không bất ngờ.

Trong phiên họp toàn thể lần thứ 23 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày báo cáo, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, nhưng nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Thực tế này khiến một số chỉ tiêu rất quan trọng, phản ánh chất lượng cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 (theo Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội) cũng khó đạt được.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 (cận dưới của mục tiêu 5 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII) thì trong 2 năm 2024 và 2025, tăng trưởng GDP phải đạt khoảng 8%/năm, nếu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6%.

Mặc dù vậy, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng. Khu vực công nghiệp và xây dựng còn nhiều khó khăn nhưng đã tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm từ quý 1. Mức độ phục hồi tuy còn yếu của hoạt động công nghiệp trong quý 3 có thể coi là tín hiệu lạc quan cho quý cuối năm.

Nhiều ngành dịch vụ thị trường duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định từ đầu năm đến nay như: dịch vụ bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống...

Cầu tiêu dùng sẽ có thể cải thiện do xu thế tiêu dùng thường tăng mạnh vào cuối năm. Cầu đầu tư sẽ được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang được triển khai ráo riết theo cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Tính chung 9 tháng của năm 2023, đầu tư công ước đạt gần 415.500 tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm và tăng 23,5% cùng kỳ năm trước. Tuy chưa hoàn toàn như kỳ vọng nhưng đây vẫn là con số rất lớn so với nhiều năm, kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương.

Trong bối cảnh đó, kiên định các giải pháp vĩ mô, ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư vẫn là phương châm nhất quán. Cùng với đó là phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa nhằm thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân (như giãn, hoãn, giảm thuế…) với chính sách tiền tệ (cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, triển khai các gói tín dụng ưu đãi…).

Song song với giảm thuế, hoãn thuế, cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới; tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. Và như đã thấy, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công sẽ là “đòn bẩy” cho các luồng đầu tư ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài, từ đó sớm đưa vào sử dụng các dự án quy mô lớn, có tác dụng duy trì và mở rộng năng lực sản xuất - kinh doanh.

Nền kinh tế có thể chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay nhưng với sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội sẽ phát huy tốt nhất những yếu tố thuận lợi để chuyển hóa thành tăng trưởng ở mức cao nhất có thể.

Tin cùng chuyên mục