Chạy đua trên công trường
Nắng nóng như đổ lửa, cộng với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhiều công trình, dự án trọng điểm tại Bình Định vẫn thi công rầm rộ. Tại dự án đường ven biển (ĐT 639), đoạn từ Cát Tiến - Đề Gi, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định thường xuyên đến hiện trường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công.
Tuyến đường này dài 21,5km, tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, nay đã giải phóng mặt bằng trên 20km và các đơn vị đang đồng loạt triển khai thành 6 mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án, kỳ vọng kịp đưa vào sử dụng trước tháng 8-2021.
“Công trình thủy lợi này trị giá 365 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, sau khi hoàn thành sẽ bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã hạ lưu sông Gianh thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Đồng thời, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, an toàn cho vùng hạ du, ngăn mặn giữ ngọt, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác; góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực tiến tới xóa đói, giảm nghèo”, ông Nam nói.
Đến xứ cát Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) bắt gặp những cột chong chóng khổng lồ đang được các chuyên gia Đan Mạch lắp đặt cho công trình điện gió B&T.
Ông Damien Culloty, Giám đốc dự án, cho biết, đây là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại với vốn đầu tư 8.900 tỷ đồng, công suất 252MW. Trước dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hơn 1.000 người làm việc trong khu vực dự án luôn đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ Y tế Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ cuối năm nay phát điện.
Cùng thời điểm, Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3km qua Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cũng đang thi công cả ngày lẫn đêm. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho hay, do ảnh hưởng của mưa lũ 2020 và dịch Covid-19 nên nhiều tháng đã không thể tổ chức thi công. Ban quản lý đang đôn đốc các nhà thầu, đơn vị chức năng tăng cường nhân lực, thiết bị máy móc, tăng ca để bù tiến độ, hoàn thành dự án theo đúng yêu cầu. Hiện các gói thầu trên toàn tuyến cơ bản hoàn thành phần nền đường trước khi thảm nhựa.
Mở sàn giao dịch điện tử hỗ trợ quảng bá
Trong khi nhiều địa phương khác đang gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, nhà đầu tư đặt chế độ “ngủ đông”, “đóng băng”, nghe ngóng tình hình thì Thừa Thiên - Huế lại được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư.
Tính riêng tháng 5-2021, tại Thừa Thiên - Huế đã có 479 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.021,6 tỷ đồng. 212 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh còn cấp quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký khoảng 1.879,4 tỷ đồng; điều chỉnh tiến độ thực hiện cho 6 dự án và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 6 dự án với số vốn điều chỉnh là 462 tỷ đồng…
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, cùng với việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, địa phương còn triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kể cả thanh tra chuyên ngành... Song song đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng đang triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao thương, ký kết hợp đồng mua bán, trao đổi hàng hóa.
Cũng nhờ chủ động kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tháng 5 vừa qua, Bình Định đã thu hút thêm 12 dự án, với tổng vốn đầu tư 33,8 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh này đã thu hút được 32 dự án đầu tư, với tổng vốn gần 24.200 tỷ đồng.